Meet More đã tham gia hội chợ giới thiệu sản phẩm tại Nga đầu năm 2022. Ảnh: DNCC
Ông Nguyễn Ngọc Luận, Tổng giám đốc Công ty cà phê nông sản Meet More cho biết, dịp Tết Nguyên đán 2022, Meet More đã xuất 2 container các loại cà phê nông sản sang thị trường Nga, đồng thời tham gia hội chợ giới thiệu sản phẩm tại đây.
"Chúng tôi chỉ mới đưa hàng sang Nga trong thời gian gần đây. Đó là một thị trường lớn, sức tiêu thụ nông sản rất tốt. Trung bình mỗi tháng Meet More đều xuất từ 2-3 container cho riêng thị trường này.
Có thể nói, thị trường đang có tín hiệu tốt, đùng một phát thì cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine xảy ra đã gây rất nhiều khó khăn cho nhà phân phối tại Nga, họ đang gặp nhiều khó khăn", ông Luận nói.
Thấp thỏm chờ đàm phán Nga – Ukraine
Theo ông Nguyễn Ngọc Luận, hiện tình hình xuất khẩu sang Nga đang rất khó khăn. Đầu tiên là vấn đề tỷ giá USD. Trước đây, chỉ có 70 rúp đổi được 1 USD, hiện tại đã lên đến 97 rúp/1 USD (tăng gần 40%), do đó tỷ giá để thanh toán cho đối tác nhà xuất khẩu rất khó khăn. Bên cạnh đó, việc chuyển ngoại tệ ra nước ngoài cũng có nhiều khó khăn.
"Tất cả các hãng tàu lớn trên thế giới đều không đi đến Nga do lệnh cấm vận của các nước. Khâu vận chuyển hiện là vấn đề cực kỳ đau đầu", ông Luận chia sẻ.
Hiện, nhà phân phối của Meet More đang cung ứng hàng hóa tại 3 vùng của Nga. Dù nhiều đối tác đã đặt hàng của công ty nhưng không thể đưa hàng từ Việt Nam, do đó phải san sẻ hàng hóa từ vùng này đến vùng khác. Hiện, phí vận tải trong nội bộ tăng đến 70% (trước vận chuyển một container chỉ 120.000 rúp nhưng giờ đã tăng 220.000 rúp).
"Bây giờ có đơn hàng nhưng không xuất đi được, chúng tôi rất đau đầu. Các doanh nghiệp ở Nga đang nghe ngóng cuộc đàm phán giữa Nga – Ukraine rồi mới quyết định. Còn bây giờ họ cũng đang bị ngưng trệ", ông Luận chia sẻ thêm.
Thị trường Nga đang rất "ăn hàng" nông sản của Việt Nam thì bất ngờ cuộc xung đột Nga - Ukraine khiến mọi thứ dừng lại. Ảnh: Meet More
"Mấy ngày liền gần đây, từ sáng sớm đến nửa đêm, tôi liên tục gọi điện cho các khách hàng của Phúc Sinh tại Nga và châu Âu để hỏi thăm tình hình khách hàng, đòi tiền, giải quyết các đơn hàng... Hiện, toàn bộ các đơn hàng xuất khẩu trị giá hàng triệu USD của Tập đoàn Phúc Sinh bị dừng lại", ông Phan Minh Thông, Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sinh nói.
Theo ông Thông, trung bình mỗi năm Phúc Sinh xuất khẩu khoảng 30 triệu USD nông sản (hạt tiêu, cà phê, điều, dừa…) sang Nga. Trong đó, xuất khẩu trực tiếp chiếm khoảng 10%, còn lại 90% xuất khẩu qua các đối tác thương mại như Hà Lan, Đan Mạch, Đức, Thuỵ Sỹ,...
Từ đầu năm 2022 đến nay, sản lượng nông sản xuất khẩu của Phúc Sinh vào Nga tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.
"Chiến sự nổ ra, bây giờ tất cả bị chặn đứng. Việc gửi chứng từ sang Nga đang kẹt hết lại do các ngân hàng Việt Nam không dám nhận", ông Thông nói.
Ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), cũng cho hay, nhiều doanh nghiệp trong Hiệp hội khó xuất khẩu đi Nga trong giai đoạn này vì chưa biết thanh toán ra sao; tỷ giá hiện tại cũng ảnh hưởng đến giá cả nên không thể chốt được hợp đồng. Ngoài ra, do không có tàu vận chuyển nên cũng không xuất hàng được.
"Vấn đề hiện nay là cần có thời gian để các doanh nghiệp xác định và tìm phương thức phù hợp rồi mới tính tới chuyện xuất khẩu", ông Hòe nói.
Tìm giải pháp tháo gỡ
Trước tình hình chiến sự tại Nga và Ukraine ngày càng leo thang, các doanh nghiệp đang tìm các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho các đơn hàng xuất khẩu.
Tại Phúc Sinh, doanh nghiệp này đang tìm cách chuyển hướng thị trường. Cụ thể, với các đơn hàng, chứng từ chưa được gửi, doanh nghiệp sẽ chuyển hướng bán cho các đối tác khác.
Với đơn hàng đã giao thành công nhưng bị kẹt khâu thanh toán do một số ngân hàng Nga bị loại khỏi mạng lưới SWIFT (Hiệp hội Viễn thông Liên Ngân hàng và Tài chính Quốc tế), Phúc Sinh và đối tác đang tìm cách giải quyết.
"Hiện, 50% đơn hàng của Phúc Sinh đã được thanh toán. Khách hàng châu Âu phần lớn rất tuân thủ cam kết, 50% còn lại cam kết hàng đến cảng sẽ dỡ hàng luôn", ông Thông chia sẻ.
Cũng theo ông Thông, từ kinh nghiệm của Phúc Sinh, lúc này cần dừng ngay lập tức các đơn hàng, tìm cách đưa hàng về.
"Nếu hàng đã đến Singapore thì tìm cách kéo hàng về Việt Nam, sau đó tìm cách bán đi thị trường khác. Thị trường thế giới bây giờ cũng khá dễ dàng, cho nên các doanh nghiệp cũng không nên quá lo lắng", ông Thông chia sẻ.
Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Luận - Tổng giám đốc Công ty cà phê nông sản Meet More thì nhận định, mặc dù hiện nay Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại, tạo thuận lợi hơn cho xuất khẩu nhưng thực tế vẫn còn nhiều rào cản khi triển khai.
Các doanh nghiệp lớn sẽ có nhiều thuận lợi, nhưng với các doanh nghiệp vừa và nhỏ đều cần phải có lộ trình.
"Đối với Meet More, chúng tôi không quan tâm đến hiệp định nữa mà quan tâm đến các thị trường mới, khảo sát nhu cầu của họ xem có quan tâm đến sản phẩm của Việt Nam hay không. Còn rất nhiều thị trường tiềm năng như khu vực Trung Đông, Dubai… mà chúng ta đang bỏ sót. Đây là lúc chúng ta cần tận dụng cơ hội để đưa hàng sang các thị trường này", ông Luận cho biết.
Ngoài ra, ông Luận cũng cho rằng, Nhà nước cần có thêm những hỗ trợ về vốn, thuế phí để trợ lực cho doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn hiện nay.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam thì khuyến nghị, các doanh nghiệp chuyển hướng đa dạng hóa thị trường, không chuẩn bị quá nhiều hàng hóa lưu kho theo quy cách của thị trường Nga - vốn dễ tính hơn các thị trường Liên minh châu Âu, Mỹ để hạn chế rủi ro tồn kho quá lâu.
Nguồn: Báo điện tử DÂN VIỆT
© 2024 | Thời báo ĐỨC