Chiều nay (30/12) chia sẻ với PV Luật sư Nguyễn Anh Thơm - Trưởng văn phòng Luật sư Nguyễn Anh (đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, trong sáng cùng ngày ông đã cùng cơ quan CSĐT Công an quận Bắc Từ Liêm, Viện kiểm sát Nhân dân quận Bắc Từ Liêm làm việc với bị can Lê Thành Công (43 tuổi, trú tại Xuân Đỉnh, Bắc Từ Liêm).
Trước đó, Công đã bị khởi tố về tội "Cố ý gây thương tích" theo quy định tại Khoản 4 Điều 134 Bộ luật hình sự.
Theo Luật sư Thơm, quá trình điều tra Lê Thành Công thừa nhận khoảng 11h ngày 16/9 trong lúc kèm con học vì bé A. (6 tuổi, học lớp 1 Trường tiểu học Xuân Đỉnh, phường Xuân Đỉnh) tiếp thu chậm nên anh ta đã bực tức, dùng đũa, thanh tre, cán chổi đánh vào chân, tay, mông và lưng con gái.
Kết luận giám định nguyên nhân chết của cháu bé được xác định: Ngạt do trào ngược thức ăn, hậu quả của sốc chấn thương. Thương tích trên cơ thể do tác động vật tày gây ra.
Như vậy, có thể thấy bị can sử dụng vật tày đánh cháu bé gián tiếp gây nên cái chết cho cháu (Cố ý về hành vi, vô ý về hậu quả).
Do đó, hành vi phạm tội của bị can đã cấu thành tội Cố ý gây thương tích dẫn tới hậu quả chết người. Tội danh và hình phạt được quy định tại điểm a, Khoản 4 Điều 134 BLHS.
"Cháu bé tử vong do bị trào ngược thức ăn làm bịt đường hô hấp dẫn tới tử vong là xuất phát từ nguyên nhân nguời bố đã sử dụng vũ lực tác động gây ra. Do đó, người bố phải chịu trách nhiệm về hậu quả cháu bé tử vong.
Trường hợp, nếu Bản kết luận giám định xác định cháu bé tử vong do đa chấn thương bởi tác động của vật tày gây nên thì người bố sẽ phải chịu trách nhiệm về tội Giết người theo quy định tại Điều 123 BLHS.
Như vậy, Bản kết luận giám định là chứng cứ khoa học rất quan trọng để định tội danh bị can phạm tội Giết người hay Cố ý gây thương tích...", Luật sư Thơm nêu.
Vị luật sư cho biết thêm, trong buổi làm việc sáng nay, sức khoẻ và tinh thần của Lê Thành Công bị giảm sút nghiêm trọng.
"Qua làm việc sáng nay, Công rất hối hận, trước biến cố xảy ra anh ta cũng rất đau buồn. Trong suốt thời gian tạm giam vừa qua, Công cũng bị suy sụp về tinh thần.
Anh ta cũng muốn sự việc sớm đưa ra xét xử để giải toả về tâm lý, giảm bớt áp lực đối với chính bản thân.
Công cũng mong muốn sau này trong ngày xét xử có thể được xem xét để có thể sớm trở về nhà chăm sóc cho gia đình vì bản thân là trụ cột và đang có con nhỏ và có thể về nhà để thắp 1 nén hương cho con...", Luật sư Thơm nói.
Trước đó, vào khoảng 11h ngày 16/9, Công đã đánh con khi bé A. học tiếp thu chậm. Sau đó, khoảng 16h cùng ngày, mẹ cháu A. cho con ăn một bát cháo và uống một viên Panadol thì cháu bị nôn nhiều nên gia đình đưa vào Bệnh viện Nhi Trung ương cấp cứu.
Tuy nhiên, sau đó cháu bé tử vong.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị
© 2024 | Thời báo ĐỨC