Thành lập vào cuối năm 2013, tính đến nay quán cơm chay Thiên Phước đã hoạt động được gần 5 năm.Thời gian tuy không quá dài nhưng cũng là một chặng đường không ngắn và chẳng mấy dễ dàng với người chủ quán vốn không quá giàu như anh Hòa.
Anh Hoà là người sáng lập nên quán cơm Thiên Phước.
Gần 20 năm trước, anh Hòa cũng như bao người dân lao động nghèo khác, từng bôn ba khắp nơi để kiếm kế sinh nhai và cuối cùng anh đã chọn dừng chân ở Sài Gòn. Từng làm đủ thứ nghề lao động tay chân, khốn khó trăm bề để gây dựng cơ nghiệp, đến nay anh Hòa đã sở hữu một cơ sở kinh doanh chuối chiên có tiếng trong thành phố với mức thu nhập có thể xem là tạm ổn. Dư dả chẳng bao nhiêu nhưng anh Hòa vẫn dốc tâm mở tiệm cơm chay Thiên Phước như một lời cảm ơn những điều tốt đẹp mà Sài Gòn đã đem đến cho anh.
Phần cơm chay 5000 đồng nhưng được chuẩn bị rất chu đáo.
Theo như lời anh thì ở chốn Sài Gòn này, ai cũng sẽ có cơ hội, chỉ cần cho người ta một hi vọng. Vậy nên, quán cơm của anh mới dán dòng chữ: “San sẻ bữa trưa hàng ngày với người có thu nhập chưa cao”. Người có thu nhập chưa cao chứ không phải là người có thu nhập thấp hay người nghèo. Chưa cao có nghĩa là sẽ cao, bởi quan trọng nhất vẫn là bản thân mình biết cố gắng.
Nhiều năm qua tôi quan sát thấy khách đến quán đa phần là người chịu khó lao động, chứ không phải biếng lười. Họ là những chú xích lô, cô ve chai, chị vé số… làm việc cả ngày đôi khi đến tối muộn mới xong việc, nhưng vì nhiều lý do mà chưa thể khá giả được. Tuy nhiên ở Sài Gòn này ai cũng có cơ hội, chỉ cần cho mọi người một hy vọng”.
(Anh Hòa – chủ quán cơm chay Thiên Phước)
Người có thu nhập chưa cao chứ không phải là người có thu nhập thấp hay người nghèo.
Anh Hòa còn kể, ban đầu quán dự tính sẽ không thu tiền của khách, thế nhưng sau khi tính toán thì thấy quán vẫn cần một số tiền nhỏ để duy trì, đồng thời những người lao động cũng sẽ có cảm giác phụ thuộc nếu nhận cơm miễn phí trong một thời gian dài. Là một người lao động, anh Hòa hiểu rõ nếu không lấy tiền thì khách hàng sẽ không thoải mái, vì dù là thu nhập không cao nhưng trong lòng mọi người đều muốn được đối xử công bình, chứ chẳng ai muốn “ăn nhờ” mãi.
Ông Hưng (74 tuổi) – khách quen từ những ngày đầu, trước đây làm nghề chạy xích lô, giờ lớn tuổi ông bán xích lô chuyển sang ở trọ bên quận Bình Tân, ngày nào cũng đạp xe hơn 1h đến quán.
Vậy nên, ngày nào cũng vậy, cứ 11 giờ trưa là quán bắt đầu nườm nượp khách. Thông thường thực đơn mỗi ngày sẽ có 2 món kho, 2 món rau và 1 món canh. Cơm và canh đều do khách tự lấy, tuỳ vào sức ăn của mình, miễn sao khi bước ra khỏi quán là bụng phải thật no. Ngoài ra trước quán còn để sẵn một chậu rửa tay để mọi người rửa tay trước và sau khi ăn cơm.
Tài sản quý giá nhất của một con người không chỉ là một cái đầu đầy kiến thức mà đó còn là một trái tim đầy tình yêu, một lỗ tai sẵn sàng lắng nghe, một cánh tay sẵn sàng giúp đỡ.
Nhiều người lao động đã trở thành khách hàng thân thiết ở quán, hễ nhà có gì thì đem qua đóng góp cái đó. Khi thì một bịch gạo, có lúc là chai dầu ăn hay gói muối, những món quà tuy nhỏ nhưng tấm lòng của những con người đã “nên duyên” với quán cơm đáng yêu này thì lớn vô cùng.
Nụ cười rạng rỡ của những vị khách có “thu nhập chưa cao”.
Những con người ấy, chẳng ai sung túc hơn ai được bao nhiêu, nhưng điều quan trọng là họ đã tìm đến với nhau, nương tựa vào nhau như những người thân thích. Dù mỗi người một quê huơng, mỗi người một số phận nhưng họ đã gặp được nhau giữa Sài Gòn hoa lệ và viết nên câu chuyện đượm tình người trong thành phố tưởng như xa lạ.
Anh Hòa có thể không giàu về của cải nhưng giàu lòng nhân ái và yêu thương. Những người lao động đến với Thiên Phước có thể thiếu thốn tiền bạc nhưng họ không thiếu thốn sự quan tâm, bởi lẽ, bất cứ khi nào đến đây, họ đều tìm thấy những ân cần và hạnh phúc nơi quán nhỏ.
Ảnh dẫn qua: Kênh 14
© 2024 | Thời báo ĐỨC