Triển vọng ngừng bắn mong manh ở Dải Gaza

Sáu tháng sau khi xung đột Gaza bùng phát, triển vọng đạt thỏa thuận ngừng bắn vẫn chưa rõ ràng, trong khi nhiều dân thường tỏ ra tuyệt vọng.

Sáu tháng trước, hơn 1.100 người Israel thiệt mạng trong cuộc tấn công bất ngờ của nhóm vũ trang Hamas vào miền nam nước này. Ngay sau đó, quân đội Israel (IDF) tiến hành chiến dịch tấn công đẫm máu vào Dải Gaza với mục tiêu "xóa sổ" Hamas và giải cứu khoảng 250 con tin mà nhóm bắt cóc sau vụ tấn công.

Chiến sự đến nay chưa có dấu hiệu tạm ngừng, dù hơn 33.000 người đã chết và khoảng 1,7 triệu người phải rời bỏ nhà cửa ở Dải Gaza.

Khi căng thẳng địa chính trị gia tăng và đàm phán bế tắc, ngày càng nhiều người cho rằng xung đột ở Gaza có thể sắp bước sang giai đoạn mới. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu giai đoạn đó sẽ hòa bình hơn hay đổ máu nhiều hơn.

Cuối tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant xác nhận IDF đang rút lượng lớn quân khỏi Gaza, trong đó có thành phố Khan Younis, và chỉ duy trì một đơn vị tác chiến cấp lữ đoàn để kiểm soát hành lang cắt ngang miền trung dải đất. Trước làn sóng chỉ trích ngày càng tăng của cộng đồng quốc tế đối với chiến dịch của Israel, gồm cả đồng minh thân cận là Mỹ, động thái rút quân của Israel có thể là tiền đề cho lệnh ngừng bắn ở khu vực.

Tuy nhiên, ông Gallant tuyên bố quyết định rút quân là nhằm đảm bảo binh sĩ có thời gian nghỉ ngơi, hồi phục và được huấn luyện thêm để chuẩn bị cho chiến dịch tấn công tổng lực vào thành phố Rafah ở miền nam Gaza, nơi được xem là thành trì cuối cùng của Hamas.

Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Liên Hợp Quốc đã kêu gọi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu không đưa quân vào Rafah, khu vực hiện là nơi trú ẩn của khoảng 1,5 triệu người Palestine. Nằm giáp biên giới Ai Cập, Rafah cũng là trung tâm viện trợ nhân đạo quan trọng cho khu vực.

1 Trien Vong Ngung Ban Mong Manh O Dai Gaza

Người dân Palestine mang đồ đạc sơ tán khỏi khu vực đổ nát vì giao tranh ở Khan Younis, Dải Gaza ngày 7/4. Ảnh: AFP

Dù đe dọa tiếp tục chiến dịch ở Gaza, Israel cũng nối lại đàm phán lệnh ngừng bắn mới với Hamas tại Ai Cập. Qatar, nhà trung gian đàm phán, lạc quan về triển vọng đạt thỏa thuận ngừng bắn cho xung đột ở Gaza. Đầu tuần này, chính ông Gallant cũng thừa nhận đàm phán đang tiến triển và ám chỉ rằng giờ có thể là "thời điểm thích hợp" để giải cứu con tin đang bị Hamas giam ở Gaza.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã kêu gọi Qatar và Ai Cập thúc đẩy Hamas ngồi vào bàn đàm phán. Trong cuộc điện đàm ngày 4/4, ông cảnh báo Thủ tướng Netanyahu rằng Mỹ buộc phải đổi chính sách đối với Israel nếu nước này không thay cách triển khai chiến dịch tại Dải Gaza.

Các nhà phân tích cho rằng Israel có những lý do khác để nỗ lực đạt được thỏa thuận ngừng bắn trong xung đột ở Gaza, trong đó có việc Tel Aviv ngày càng đối đầu trực tiếp hơn với Tehran, bên tài trợ chính của Hamas. Sau cuộc tập kích vào đại sứ quán Iran ở thủ đô Damacus ở Syria tuần trước khiến một chuẩn tướng Iran thiệt mạng, Tehran tuyên bố sẽ đáp trả mạnh mẽ.

"Nếu cuộc tấn công của Iran xuất phát từ lãnh thổ của họ, Israel sẽ đáp trả và tấn công mục tiêu ở Iran", Israel Katz, người đứng đầu Bộ Ngoại giao Israel, ngày 10/4 tuyên bố, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ nổ ra đụng độ trực tiếp giữa hai nước.

Một lệnh ngừng bắn, dù là tạm thời, giữa Israel với lực lượng Hamas được Iran hậu thuẫn vào lúc này có thể giúp những căng thẳng đó lắng xuống, ngăn nguy cơ xung đột khu vực gây khủng hoảng toàn cầu.

Mọi thứ cũng ngày càng trở nên khó khăn với ông Netanyahu. Mỹ, đồng minh lâu năm của Israel, đang dần thay đổi lập trường từ ủng hộ nhiệt thành chiến dịch tấn công sang cố gắng thúc đẩy lệnh ngừng bắn. Thành viên NATO Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sẽ trừng phạt Israel thích đáng vì các hành động của nước này ở Gaza.

Trong nước, vị thế của ông Netanyahu cũng lung lay. Ông đối mặt nhiều lời chỉ trích về cách tiến hành chiến dịch trừng phạt Hamas, nhiều cuộc biểu tình và thậm chí khiếu nại từ gia đình các con tin.

Lệnh ngừng bắn gồm điều khoản về con tin có thể đáp ứng nhu cầu chính trị với ông Netanyahu, nhưng đó cũng là nhu cầu nhân đạo cấp thiết với những người dân ở Dải Gaza, theo giới quan sát.

Cộng đồng quốc tế đang gia tăng áp lực để đạt thỏa thuận và dấu hiệu lớn nhất chính là việc Mỹ cử Giám đốc CIA William Burns tham gia vòng đàm phán mới nhất tại Cairo.

"Mỹ đã tạo ra rất nhiều áp lực đối với Israel, Ai Cập và Qatar để thúc đẩy Hamas. Thực tế là người đứng đầu CIA xuất hiện đòi hỏi tất cả nhà đàm phán tham gia đều phải là cấp cao. Đó là dấu hiệu về áp lực gia tăng của Mỹ", Gershon Baskin, người từng giúp đàm phán thỏa thuận với Hamas về việc thả binh sĩ Israel Gilad Shalit vào năm 2011, nói.

Song giới quan sát cho rằng những áp lực này không đồng nghĩa thỏa thuận đã trong tầm tay, đặc biệt sau nhiều vòng đàm phán trước đó không có kết quả.

Bất kỳ thỏa thuận nào cũng dự kiến gồm điều kiện thả một số con tin bị Hamas bắt cóc để đổi lấy việc trả tự do cho tù nhân Palestine bị giam trong các nhà tù ở Israel. Đây cũng là cơ sở cho thỏa thuận ngừng bắn tạm thời hồi tháng 11/2023.

Theo đề xuất mới nhất của Mỹ, giai đoạn đầu của lệnh ngừng bắn 6 tuần sẽ chứng kiến Hamas thả 40 con tin còn sống, ưu tiên con tin nữ, nam giới trên 50 tuổi và người có tình trạng sức khỏe nghiêm trọng. Sau đợt trao đổi cuối năm ngoái, 133 con tin vẫn bị giam ở Gaza, dù ít nhất 30 người được xác nhận đã chết.

Israel đổi lại sẽ thả ít nhất 700 tù nhân Palestine, trong đó khoảng 100 người đang thụ án chung thân vì giết người Israel.

2 Trien Vong Ngung Ban Mong Manh O Dai Gaza

Khói bốc lên sau khi Israel ném bom ở Rafah,nam Gaza ngày 20/3. Ảnh: AFP

Tuy nhiên, Hamas được cho là đã nói với các nhà đàm phán rằng họ không thể tìm thấy đủ 40 con tin theo yêu cầu, có thể là do nhiều con tin đã thiệt mạng hoặc đang nằm trong tay nhóm vũ trang khác ở Gaza.

Yahya Sinwar, thủ lĩnh Hamas ở Gaza, có thể là người cuối cùng quyết định thông qua điều khoản thỏa thuận ngừng bắn hay không. Song liên lạc với Sinwar rất khó khăn và mất nhiều thời gian vì phải qua nhiều trung gian.

Baskin cho biết Hamas cũng dự kiến có thêm yêu cầu tù nhân được thả và sẽ không chấp nhận bất kỳ ai trong số họ bị trục xuất sang nước khác, những đòi hỏi có thể gây trở ngại cho đàm phán. Hamas cũng cho rằng nếu không có đảm bảo về lệnh ngừng bắn vĩnh viễn, Israel sẽ tiếp tục tấn công nhóm này sau khi con tin được thả.

"Từ kinh nghiệm của tôi, khó khăn lớn nhất là liệu người ra quyết định của cả hai bên có sẵn sàng thúc đẩy thỏa thuận hay không. Câu trả lời hiện chưa rõ ràng", ông Baskin nói. "Khi họ sẵn sàng, họ sẽ tìm thấy tiếng nói chung".

Bất kỳ thông tin nào từ Cairo đều có thể thắp lên hy vọng cho một số người dân Gaza khát khao tìm lại cuộc sống bình yên.

"Chúng tôi kiệt quệ về thể chất, cảm xúc và tinh thần đến mức quên mất cuộc sống trước đây như thế nào", Ahmed Abu Shahla, giáo viên về hưu 64 tuổi ở thành phố Gaza, nói.

Tuy nhiên, một số người đã không còn quan tâm. Basheer al-Farran mất vợ và ba con trong những ngày đầu cuộc chiến. Lệnh ngừng bắn hiện tại sẽ không thể giúp ông lấy lại cuộc sống trước đây.

"Nó không còn quan trọng nữa", ông nói, thêm rằng lệnh ngừng bắn có nghĩa họ phải sống thêm nhiều năm nữa trong sự khốn khổ vì Gaza bị tàn phá.

Thanh Tâm (Theo Politico, BBC, Al Jazeera)

Nguồn: VNEXPRESS.NET


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày