Tiết lộ mới nhất về quy mô bê bối trứng ''bẩn'' tại châu Âu

Tờ "Osnabrück Mới" (NOZ) của Đức vừa công bố báo cáo cho thấy quy mô vụ bê bối trứng nhiễm hóa chất Fipronil nhập từ Hà Lan vào Đức lớn nhiều hơn so với thông tin ban đầu.

Theo bài báo, khoảng 28,1 triệu quả trứng nhiễm độc loại thuốc diệt sâu bọ nêu trên có thể đã được vận chuyển tới bang Niedersachsen, Tây Bắc nước Đức và giáp giới với Hà Lan.

Con số này cao gấp gần 3 lần so với ước tính trước đó của Bộ Nông nghiệp liên bang Đức, vốn chỉ khoảng 10,7 triệu quả. Con số này được đưa ra dựa trên một phân tích do Bộ Nông nghiệp bang Niedersachsen tiến hành sau khi tổng hợp số liệu từ hệ thống cảnh báo nhanh của Liên minh châu Âu (EU).

Tiết lộ mới nhất về quy mô bê bối trứng bẩn tại châu Âu - 0

Tiết lộ mới nhất về vụ bê bối trứng bẩn tại châu Âu. Ảnh minh họa: EPA/TTXVN

Cơ quan này xác nhận đã có lệnh thu hồi khoảng 28,1 triệu quả trứng nhiễm bẩn, trong đó gần 17 triệu quả nhiễm Fipronil đã được bang Niedersachsen xuất đi các bang khác trên toàn nước Đức.

Số liệu mới nhất này bao gồm cả các lô trứng bị thu hồi khỏi các trang trại chăn nuôi gia cầm bị nghi cũng như các trang trại mà giới chức y tế xác nhận nhiễm Fipronil.

Tính đến ngày 16/8, bê bối trứng "bẩn" nhiễm Fipronil đã lan rộng tới 12 nước châu Âu, trong đó Bỉ, Hà Lan và Đức là 3 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Giới chức y tế xác nhận tổng cộng 180 trang trại tại Hà Lan từng sử dụng một loại thuốc chống rận có chứa chất Fipronil.

Đáng chú ý, một trong số đó đã sử dụng liều lượng thuốc lớn, khiến nhà chức trách Hà Lan phải ban bố cảnh báo tình trạng nguy cấp đối với người tiêu dùng.

Kể từ khi vụ bê bối trứng nhiễm Fipronil bị phanh phui hôm 1/8 vừa qua, hàng triệu quả trứng và các sản phẩm làm từ trứng đã đồng loạt bị rút khỏi kệ hàng tại các siêu thị châu Âu.

Vụ việc trên được cho là bắt nguồn từ Hà Lan sau khi công ty Chickfriend của nước này sử dụng Fipronil tại các trang trại gia cầm để diệt bọ đỏ ký sinh trên gà.

Fipronil được sử dụng phổ biến trong các sản phẩm thú y để diệt bọ chét, rận, bọ chó, nhưng bị EU cấm sử dụng cho các loại động vật chăn nuôi lấy thịt, như gà.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nếu sử dụng với số lượng lớn, loại hóa chất này có thể "gây nguy hiểm nhẹ" cho thận, gan và tuyến giáp.

TTXVN


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày