Tập đoàn Nhật Bản muốn phát triển điện gió ngoài khơi Việt Nam

Doosan Vina "bắt tay" cùng Tập đoàn Marubeni (Nhật Bản) muốn hợp tác phát triển điện gió ngoài khơi Việt Nam.

1 Tap Doan Nhat Ban Muon Phat Trien Dien Gio Ngoai Khoi Viet Nam

Ông Kim Hyo Tae, tổng giám đốc Doosan Vina (phải) và ông Yudai Kato, chủ tịch kiêm tổng giám đốc Marubeni Asian Power Việt Nam, ký kết biên bản ghi nhớ - Ảnh: Doosan Vina

Ngày 29-6, Công ty Doosan Vina (Khu kinh tế Dung Quất, Quảng Ngãi) đã ký biên bản ghi nhớ "Hợp tác phát triển điện gió ngoài khơi Việt Nam" với Tập đoàn Marubeni (Nhật Bản).

Tại lễ ký kết, ông Kim Hyo Tae - tổng giám đốc Doosan Vina - nhấn mạnh sẽ tích cực tham gia thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị COP26 về phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050.

Biên bản ghi nhớ này cùng với biên bản ghi nhớ đã ký kết với tập đoàn điện gió hàng đầu thế giới, Ørsted (Đan Mạch) trước đó, là nền tảng để Doosan Vina tiến vào thị trường năng lượng tái tạo.

"Doosan Vina hiện đang chuyển trọng tâm và danh mục kinh doanh hướng tới bảo vệ môi trường. Đây là động lực tăng trưởng trong thời gian tới", ông Kim Hyo Tae nói và nhận định Việt Nam có nguồn gió, nắng và biển dồi dào, có tiềm năng lớn để phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng điện gió ngoài khơi.

Ông Seiji Kawamura - giám đốc kinh doanh thị trường điện khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Tập đoàn Marubeni - cho biết năng lượng gió ngoài khơi sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong chiến lược của Marubeni. Với thâm niên 50 năm trong ngành điện tại Việt Nam, Marubeni mong muốn đóng góp cho nền kinh tế Việt Nam và chính sách của Chính phủ.

Sau khi ký kết, Doosan Vina và Marubeni sẽ cùng nghiên cứu tính khả thi và khả năng hợp tác tại Việt Nam. Doosan Vina có kế hoạch sản xuất móng đơn của tua bin gió và các bộ phận khác cho các trang trại điện gió ngoài khơi tại khu phức hợp công nghiệp rộng 100ha của mình ở Khu kinh tế Dung Quất.

Marubeni cũng dự định tìm hiểu và mở rộng hợp tác với các công ty năng lực khác tại Việt Nam nhằm thúc đẩy và phát triển ngành điện gió ngoài khơi tại Việt Nam.

Doosan và Marubeni là đối tác chiến lược trong lĩnh vực kinh doanh điện tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Hai công ty đã xây dựng thành công dự án điện BOT Nghi Sơn 2. Trong đó, Marubeni là thành viên liên danh chủ đầu tư, còn Doosan là tổng thầu.

Doosan Vina là một khu phức hợp công nghiệp có vốn đầu tư 300 triệu USD tại Khu kinh tế Dung Quất. Các sản phẩm chủ lực của Doosan Vina bao gồm mô đun, cẩu trục cảng biển, kết cấu thép, thiết bị xử lý nhiên liệu thô, lò hơi nhà máy điện, thiết bị khử muối nước biển và các sản phẩm năng lượng xanh...

Tại Việt Nam, Doosan Vina là tổng thầu EPC của các dự án nhà máy nhiệt điện lớn như Mông Dương 2, Vĩnh Tân 4, Vĩnh Tân 4 mở rộng, Nghi Sơn 2, Sông Hậu 1...

Tập đoàn Marubeni là công ty đầu tư và thương mại hàng đầu có trụ sở tại Tokyo, với hơn 160 năm lịch sử.

Trong lĩnh vực năng lượng, Marubeni là một trong những tập đoàn hàng đầu thế giới.

Trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, Marubeni đã đầu tư phát triển hơn 2.000MW điện gió trên đất liền và ngoài khơi ở nhiều quốc gia như Nhật Bản, Anh...

Vào tháng 1-2022, Marubeni đã giành được hợp đồng thuê phát triển dự án gió ngoài khơi Scotland, đây là một trong những dự án lớn nhất thế giới với công suất 3.600MW.

Tại Việt Nam, Marubeni đã tham gia làm tổng thầu EPC cho 11 dự án nhà máy điện, như: Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 1 (600MW) và đầu tư BOT Nghi Sơn 2 (1.200MW); Dự án điện khí Ô Môn 2 (1.050 MW) đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư và đang đàm phán hợp đồng mua bán khí/điện với PVN và Tập đoàn Điện lực Việt Nam...

TRẦN MAI

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày