Nhiều người giàu ở Hàn Quốc quyết định ra đi vì áp lực thuế trong nước - Ảnh: AFP
Nhiều người giàu có đang xem xét điểm đến tốt nhất để đưa gia đình và tài sản của họ tới "làm tổ". Trước xu thế này, chính quyền nhiều nước cũng đang chạy đua để thu hút người giàu với các chương trình định cư thông qua đầu tư.
Nhiều người Hàn Quốc sẽ bị yêu cầu nộp thuế thừa kế trong bối cảnh đất nước chuyển sang một xã hội siêu già, và chắc chắn họ sẽ muốn giữ tài sản của mình bằng cách chuyển đến một quốc gia khác với thuế tài sản thừa kế ít hơn nhiều.Chuyên gia Kim Je Kyung (cố vấn trưởng của Công ty bất động sản Tum)
Tìm cơ hội và né thuế
Theo nghiên cứu do Viện tài chính Hana công bố ngày 26-5, Hàn Quốc đứng thứ bảy thế giới về số người giàu di cư. Nghiên cứu dẫn dữ liệu từ công ty tư vấn di cư đầu tư toàn cầu Henley & Partners (có trụ sở tại Seoul) cho biết 800 người Hàn Quốc có tài sản ròng trị giá từ 1 triệu USD trở lên đã chuyển hẳn sang các quốc gia khác sinh sống trong năm 2023. Con số này tăng gấp đôi so với năm trước đó.
Xét về tỉ lệ triệu phú di cư so với tổng dân số cả nước, Hàn Quốc xếp thứ hai toàn thế giới. Trong khi đó, mặc dù có số triệu phú di cư cao nhất thế giới với hơn 13.500 người trong năm 2023, tỉ lệ này ở Trung Quốc vẫn thấp hơn Hàn Quốc do dân số nước này nhiều gấp 28 lần so với Hàn Quốc.
Dữ liệu của Henley & Partners cũng cho thấy Ấn Độ "thất thoát" nhiều triệu phú nhất vì di cư, với 6.500 người năm 2023, trong khi Anh và Nga cũng đứng trong top các nước có nhiều người giàu di cư.
Xu hướng này sẽ tiếp tục tăng, thậm chí được dự đoán sẽ phá kỷ lục trong năm 2024 với khoảng 128.000 người giàu di cư khắp thế giới.
Những người giàu quyết định ra đi vì nhiều lý do như muốn có mức sống tốt hơn, có cơ hội kinh doanh, môi trường giáo dục tốt cho con cái, tránh ô nhiễm môi trường, tránh chiến tranh và xung đột hoặc để né thuế.
Một nhân viên giấu tên thuộc bộ phận quản lý tài sản của một ngân hàng tư nhân Hàn Quốc tiết lộ trên tờ Korea Times rằng nhiều người giàu nước này chọn di cư để bảo vệ tài sản trong bối cảnh lạm phát tăng và họ có thể phải chịu thuế nặng hơn.
"Chẳng hạn chủ một ngôi nhà trị giá hơn 1,2 tỉ won (878.900 USD) sẽ phải chịu thuế nắm giữ bất động sản toàn diện", nhân viên này cho biết. Loại thuế này bị nhiều người chỉ trích là thuế "trừng phạt" đối với những người sở hữu nhà đắt tiền. Trong khi đó giá căn hộ, loại hình nhà ở phổ biến nhất ở Hàn Quốc, có giá trung bình 1,29 tỉ won ở thủ đô Seoul.
"Điều này có nghĩa nhiều công dân Seoul sẽ phải đóng "thuế trừng phạt" khi sống trong các căn hộ và trách nhiệm thuế với người giàu sẽ còn nặng hơn", người nhân viên này nói thêm.
Nguồn: Henley & Partners - Dữ liệu: TRẦN PHƯƠNG - Đồ họa: T.ĐẠT
Chuyên gia Kim Je Kyung, cố vấn trưởng của Công ty bất động sản Tumi, cho rằng gánh nặng thuế thừa kế có thể là một lý do khác khiến giới nhà giàu Hàn Quốc "dứt áo ra đi", vì ngày càng nhiều người ở đây đã già và muốn truyền lại tài sản cho con cái trước khi qua đời.
Hàn Quốc đứng thứ hai trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) về thuế thừa kế, chỉ sau Nhật Bản. Thuế thừa kế tối đa ở Hàn Quốc là 50%, so với 55% của Nhật Bản và mức trung bình của OECD là 25%.
Tương tự, thuế tại Anh đã tăng lên mức cao nhất trong 70 năm. Gánh nặng thuế ngày càng đè nặng lên người giàu, với thuế doanh nghiệp tăng 1/3 và thuế trước bạ tăng mạnh đối với tài sản trị giá hơn 1 triệu bảng Anh.
Cạnh tranh thu hút người giàu
Cùng với gia đình, các triệu phú cũng mang đến nước sở tại của cải, doanh nghiệp cùng công việc mà doanh nghiệp tạo ra và tiền thuế. Vì vậy, mặc dù các triệu phú chỉ chiếm một tỉ lệ nhỏ dân số, nhưng việc thu hút và giữ chân họ là vô cùng quan trọng đối với bất cứ quốc gia nào.
Theo Henly & Partners, đại dịch COVID-19 đã đẩy nhanh cuộc cạnh tranh giữa các nước để thu hút người giàu và nhân tài. Một số nước đã đổi mới nhanh chóng.
Ví dụ, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) đã cực kỳ thành công trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống và thu hút những người tài năng và giàu có nhờ các chính sách thân thiện với doanh nghiệp và chương trình đầu tư định cư.
Trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động do đại dịch COVID-19 và cuộc chiến ở Ukraine, cũng như một trật tự thế giới đa cực đang nổi lên, các chiến lược thu hút như vậy ngày càng trở nên quan trọng.
Nhiều trung tâm tài chính hàng đầu thế giới như Mỹ, Hong Kong, Singapore, Thụy Sĩ, Luxembourg, UAE đang tích cực thúc đẩy chương trình đổi đầu tư lấy quyền cư trú.
Nếu 20 năm trước, đầu tư di cư có thể chỉ dành cho giới siêu giàu và đôi khi bị coi là không yêu nước thì nay điều đó đã thay đổi và trong một thập niên qua chương trình này ngày càng thu hút. Nhiều nước hiện đã cho phép có hai quốc tịch, nâng cấp các chương trình đầu tư để mời gọi người giàu.
"Trong vài năm qua, đầu tư di cư đã trở thành một sản phẩm hoạch định tài sản chủ đạo khi ngày càng nhiều người sử dụng các chương trình đầu tư và nhập quốc tịch để tiếp cận các cơ hội trước đây bị hạn chế và bảo vệ tài sản cũng như di sản của họ", chuyên gia Juerg Steffen của Henley & Partners nhận định.
TRẦN PHƯƠNG
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online
© 2024 | Thời báo ĐỨC