Nhiều siêu thị chọn hỗ trợ vốn cho các nhà cung cấp để giữ giá rau bình ổn dịp Tết. Trong ảnh: một trang trại sản xuất rau ở Đà Lạt - Ảnh: NGUYỄN TRÍ
"Sức tiêu thụ năm nay tốt, doanh số có thể tăng hai con số so với năm 2023", ông Christian Leitzinger, phó tổng giám đốc bánh kẹo Phạm Nguyên, nói với Tuổi Trẻ.
Sôi động từ mảng bánh kẹo
Hiện có ba nhà máy ở ba tỉnh thành và hơn 1.300 nhân viên toàn thời gian, ông Christian cho hay Phạm Nguyên đánh giá thị trường đang có tín hiệu tích cực, các điểm bán lẻ đang mạnh dạn đặt hàng. Công ty này sẽ tuyển thêm khoảng 250 công nhân thời vụ cho các đợt sản xuất, bán hàng cao điểm.
Thị trường bánh kẹo rất cạnh tranh, với đa dạng sản phẩm ngoại nhập. Dù vậy, ông Christian cho rằng người tiêu dùng nội địa sẽ ưu tiên lựa chọn sản phẩm đã có thương hiệu để làm quà biếu và sử dụng trong gia đình.
Chỉ còn khoảng hai tháng rưỡi nữa sẽ đến Tết Nguyên đán 2025. Từ hơn một tháng trước, Công ty Bibica đã tung ra thị trường các loại bánh kẹo cho mùa Tết.
Ông Nguyễn Quốc Hoàng, tổng giám đốc Bibica, cho biết tổng sản lượng bánh kẹo Bibica đưa ra thị trường năm nay hơn 5.000 tấn các loại, riêng dòng sản phẩm quà biếu là khoảng 6 triệu hộp.
"Năm nay chúng tôi đặt kế hoạch doanh số mùa Tết cao hơn năm ngoái từ 15 - 20%. Hiện tình hình tương đối khả quan hơn năm trước. Các điểm bán mạnh dạn nhập hàng. Thị trường tăng trưởng đều ở cả ba miền", ông Hoàng nói và chia sẻ kế hoạch tuyển từ 300 - 400 lao động thời vụ.
Nhiều doanh nghiệp bánh kẹo khác cũng đang tập trung nguồn lực cho ba giai đoạn. Thứ nhất là từ nay đến giữa tháng 11-2024 là lúc tập trung đưa hàng vào các điểm bán, đảm bảo sản phẩm được đặt ở vị trí thuận lợi.
Giai đoạn hai sẽ diễn ra từ 16-11 đến lễ Giáng sinh. Lúc này chủ yếu là các công ty, đoàn thể mua hàng làm quà tặng đối tác, nhân viên. Giai đoạn cao điểm sẽ diễn ra sau lễ Giáng sinh đến Tết.
Tận dụng nông sản vùng miền
Không chỉ kỳ vọng sức mua ở thị trường tiêu thụ nội địa khởi sắc, ông Nguyễn Quốc Hoàng còn cho biết năm nay Bibica ghi nhận doanh số xuất khẩu tích cực đến Hàn Quốc, Nhật Bản, thậm chí ở "vương quốc bánh kẹo" Thái Lan.
"Bibica đạt hiệu quả xuất khẩu khi gắn sản phẩm bánh kẹo với nông sản đặc trưng của Việt Nam như dừa, sầu riêng, cà phê...", ông Hoàng nói.
Vị này đánh giá ở các nước phát triển, sản xuất bánh kẹo không phải là ngành có mức lợi nhuận hấp dẫn để đầu tư mới. Đây là cơ hội cho quốc gia nông nghiệp và khả năng chế biến sâu với một số dòng sản phẩm như Việt Nam.
Cùng quan điểm, ông Phạm Ngọc Anh Tùng, CEO FoodMap, cho biết nhu cầu của người tiêu dùng với nông đặc sản nội địa tăng trong hai năm gần đây.
Lý do đến từ chất lượng sản phẩm ngày càng tốt hơn và vận chuyển tiện lợi. Vì vậy, mục tiêu doanh số năm nay của FoodMap sẽ cao hơn năm ngoái từ 30 - 40%.
Đại diện FoodMap cũng cho biết họ sẽ đưa khoảng 100 loại sản phẩm vào danh sách quà Tết năm nay (đặc biệt là trà - các loại hạt - mứt trái cây), với khoảng 98% mặt hàng là sản phẩm nội địa.
Tăng giá người mua sẽ quay lưng
Đại diện nhiều đơn vị bán lẻ như Bách Hóa Xanh, MM Mega Market, Co.opmart, Lotte Mart... khẳng định với sự cam kết từ nhà cung cấp, nguồn hàng phục vụ dịp cuối năm, dịp cao điểm Tết sẽ không thiếu, trong đó sẽ tính toán khuyến mãi kéo dài đối với thịt, trứng, rau củ...
"Sức mua dịp Tết năm nay có thể không quá mạnh, thậm chí giảm so với mọi năm. Do đó việc tính toán bình ổn giá, tăng khuyến mãi các sản phẩm thiết yếu là cần thiết để kích thích sức mua", đại diện Bách Hóa Xanh nhận định.
Ngày 16-11, ông Võ Trần Ngọc, giám đốc kinh doanh Saigon Co.op, cho biết theo kế hoạch, lượng hàng phục vụ dịp cuối năm nay có thể tăng khoảng 30 - 40% so với bình thường, tăng gần 10% so với Tết năm ngoái.
Theo ông Ngọc, về giá bán, đơn vị chủ trương duy trì giá bình ổn, thậm chí tăng khuyến mãi. "Cao điểm trong 59 ngày trước Tết sẽ tăng mạnh lượng nhập, trữ hàng.
Chúng tôi đã làm việc với các nhà cung cấp và phần lớn ủng hộ việc duy trì giá bán bình ổn, riêng mặt hàng rau đơn vị đã ký hợp đồng, hỗ trợ vốn cho bảy nhà cung cấp lớn nên những mặt hàng chủ lực như cà rốt, cà chua, bắp cải, khổ qua, dưa leo... dự kiến có giá tốt hơn 10 - 15% so với thị trường", ông Ngọc khẳng định.
Đại diện một doanh nghiệp khác cho rằng có thể vẫn có những món hàng tăng giá dịp cuối năm do ảnh hưởng giá đầu vào như dầu ăn; đường; các sản phẩm làm từ gạo như bún, mì, phở khô...
"Tuy nhiên việc tăng giá bán nếu có cần tính toán hài hòa, nếu tăng mạnh dễ dẫn đến người tiêu dùng sẽ quay lưng", vị này nhận định.
Nguồn cung heo không thiếu, giá khó tăng cao
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Xuân Huy, phó tổng giám đốc Công ty C.P Việt Nam, cho biết hiện mỗi ngày đơn vị đưa ra thị trường 16.000 - 17.000 con heo hơi với giá trên dưới 60.000 đồng/kg, nhưng nếu cuối năm nhu cầu tăng cũng sẵn sàng đáp ứng, thậm chí vẫn đáp ứng được từ 20.000 - 22.000 con/ngày.
"Với cung - cầu hiện nay, cuối năm giá heo khó tăng, trường hợp tăng chỉ trong mức 5% trở lại, trừ ngày cao điểm có thể tăng hơn nhưng chỉ trong 1 hoặc 2 ngày", ông Huy nói.
Ông Nguyễn Kim Đoán, phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cũng cho rằng nguồn cung thịt heo, gà năm nay không thiếu, đặc biệt trứng có thể dư vì tổng đàn từ các doanh nghiệp lớn dồi dào. Do đó người dân yên tâm mua sắm.
Lượng hàng bình ổn năm nay tăng 4 - 6%
Ông Ngô Hồng Y, trưởng phòng quản lý thương mại Sở Công Thương TP.HCM, cho biết các doanh nghiệp sản xuất và phân phối trên địa bàn đều đã có kế hoạch chuẩn bị cho vụ Tết 2025.
Với nhóm hàng lương thực thực phẩm thiết yếu, Sở Công Thương đang yêu cầu doanh nghiệp chuẩn bị nguồn hàng theo kế hoạch đăng ký. Sắp tới sở sẽ có đợt kiểm tra với các doanh nghiệp về việc chuẩn bị hàng hóa, kế hoạch lưu trữ.
Dự kiến sản lượng hàng bình ổn năm nay trên địa bàn sẽ tăng 4 - 6% so với năm ngoái, riêng nhóm lương thực, thực phẩm thiết yếu chiếm từ 25 - 42% nguồn hàng cho tháng Tết, đủ khả năng cung cấp cho thị trường và giá cả ổn định trên địa bàn.
"Thị trường hàng hóa Tết năm nay sôi động, hàng hóa dồi dào, chỉ lo sức mua yếu", ông Hồng Y nói.
HỒNG PHÚC - NGUYỄN TRÍ
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online
© 2024 | Thời báo ĐỨC