Nguyên Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường qua đời vào sáng 27/10 (Ảnh: SCMP).
Một ngày tháng 3/2013, một vị chính khách 57 tuổi cúi chào trong tiếng vỗ tay lớn của gần 3.000 đại biểu tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, sau khi ông vừa trở thành tân Thủ tướng Trung Quốc. Nhân vật ấy chính là Lý Khắc Cường, người sẽ có vai trò lớn trong việc chèo lái nền kinh tế xứ tỷ dân trong 10 năm tiếp theo.
Trong suốt sự nghiệp, cố Thủ tướng Lý Khắc Cường được mệnh danh là nhà lãnh đạo của nhân dân, nỗ lực vì những người kém may mắn, thông qua các chính sách tập trung giảm thiểu khoảng cách giàu nghèo và cung cấp nhà ở hợp túi tiền. Năm 2012, Xinhua mô tả ông là "người đặt dân lên trên hết".
Sau khi nhậm chức năm 2013, ông Lý hứa hẹn thúc đẩy cải cách ở mọi lĩnh vực và xây dựng xã hội thịnh vượng. "Dù nước sâu ra sao, chúng ta cũng phải dấn thân vì không có lựa chọn nào khác", ông nói.
Ông Lý Khắc Cường qua đời vào ngày 27/10 vì cơn đau tim tại Thượng Hải, 7 tháng sau khi kết thúc nhiệm kỳ Thủ tướng thứ 2. "Mọi nỗ lực cứu chữa đều không thành công", Xinhua thông báo.
Xuất thân khiêm tốn
Ông Lý Khắc Cường có xuất thân gia đình khiêm tốn, là con trai của một quan chức địa phương. Ông sinh vào tháng 7/1955 tại huyện Định Nguyên, tỉnh An Huy, miền đông Trung Quốc.
Một bài viết năm 2014 của Xinhua mô tả Thủ tướng tương lai của Trung Quốc là người "biết nỗi khổ của lao động chân tay". Năm 1974-1978, chàng thanh niên Lý Khắc Cường lao động tại vùng nông thôn của tỉnh An Huy, từng phải cấy lúa, chăn gia súc, và gánh đá xây hồ chứa nước.
"Tôi bảo ông ấy là trưởng nhóm nên không phải làm việc chân tay. Nhưng ông ấy nói "Không, tôi làm được. Gánh đá tôi làm được", Cheng Yuming, người từng lao động cùng ông Lý, kể.
Ông Lý Khắc Cường - khi ấy là Bí thư Tỉnh ủy - cùng dân làng trong chuyến thăm Tân Hương, tỉnh Hà Nam, năm 2003 (Ảnh: Xinhua).
Những năm cuối thập niên 1970, ông Lý ban ngày cày ruộng, ban đêm chuẩn bị cho kỳ thi đại học. Năm 1978, ông thi đỗ vào Đại học Bắc Kinh và học luật. 10 năm sau, ông tốt nghiệp, trong tay có bằng luật và thạc sĩ kinh tế.
Ông Lý sau đó lấy bằng Tiến sĩ kinh tế tại Đại học Bắc Kinh. Luận án của ông về cấu trúc nền kinh tế Trung Quốc đã giành được Giải thưởng Kinh tế Sun Yefang, giải thưởng cao nhất trong giới kinh tế tại nước này.
Những năm đầu tiên trong sự nghiệp chính trị, ông Lý Khắc Cường hoạt động trong Đoàn Thanh niên Đảng Cộng sản Trung Quốc, trở thành Bí thư Ban Chấp hành Đoàn trường Đại học Bắc Kinh vào năm 1982. Hơn 10 năm sau, ông được bầu làm Bí thư thứ nhất BCHTW Đoàn Thanh niên.
Thăng tiến
Ông Lý Khắc Cường trở thành Tỉnh trưởng trẻ nhất Trung Quốc khi lên nắm quyền lãnh đạo tỉnh Hà Nam ở miền trung nước này vào tháng 7/1998. Trong nhiệm kỳ tỉnh trưởng rồi Bí thư Tỉnh ủy của ông Lý trong năm 2002-2004, Hà Nam đã chứng kiến sự tăng trưởng kinh tế đáng kể.
Tại Hà Nam, ông Lý cũng phải xử lý thách thức từ sự lây lan của HIV/AIDS. Chỉ trong 2 tháng đầu năm 2004, ông đã 3 lần thăm khu vực chịu ảnh hưởng lớn do HIV.
Đeo ruy băng đỏ trên ngực, biểu tượng của cuộc chiến chống HIV, Thủ tướng tương lai bắt tay và nói chuyện với các bệnh nhân.
"Chúng ta cần quan tâm tới họ", ông Lý nói trong một chuyến thăm vào tháng 2/2004. "Nói chuyện và bắt tay với họ để giúp họ thêm tự tin".
Cuối năm ấy, ông Lý chuyển công tác đến tỉnh Liêu Ninh ở miền đông bắc vào với tư cách là Bí thư Đảng ủy. Tại đây, ông giám sát việc khôi phục cơ sở công nghiệp cũ của khu vực và thiết lập vành đai kinh tế ven biển để thúc đẩy thương mại với các nước láng giềng.
Những thành công ở tỉnh Liêu Ninh đã giúp ông Lý thăng tiến. Ông được bầu vào Ban Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc vào tháng 10/2007. Tháng 3/2008, ông được bổ nhiệm làm Phó Thủ tướng rồi Thủ tướng vào 5 năm sau, một trong những nhà lãnh đạo có học vấn cao nhất của Trung Quốc, với khả năng nói tiếng Anh lưu loát.
Theo SCMP, trên phương diện cá nhân, ông Lý có tiếng là người liêm chính. Các lãnh đạo doanh nghiệp nước ngoài ở Trung Quốc biết ông đều nói với SCMP rằng ông Lý là người vui vẻ và chu đáo.
Cố Thủ tướng Lý Khắc Cường đã góp phần lèo lái nền kinh tế Trung Quốc trong 10 năm qua (Ảnh: New York Times).
Con người của cải cách
Từ trước khi trở thành người đứng đầu chính phủ Trung Quốc, ông Lý đã được biết đến rộng rãi vì "sự nhạy bén và quyết tâm đối mặt với thách thức", theo Xinhua. Ông đã đạt được thành tựu đáng ghi nhận trong việc giúp tháo gỡ khó khăn cùng nỗ lực thúc đẩy kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân và đi sâu cải cách.
Doanh nhân và các nhà ngoại giao từng gặp ông Lý đều tỏ ra ấn tượng trước phân tích kinh tế của ông, theo Economist.
"Về vấn đề kinh tế, ông ấy thể hiện sự hiểu biết sâu sắc đối với lý thuyết phức tạp", New York Times viết về vị Thủ tướng mới nhậm chức vào năm 2013.
Trong năm đầu làm Thủ tướng, ông Lý đẩy mạnh chính sách thường được gọi là "Likonomics" (Kinh tế học Lý Khắc Cường), gồm 3 bộ phận: Không gói kích thích, giảm đòn bẩy tài chính, và cải cách cơ cấu. Chính sách này được coi là liệu pháp khắc phục sự mất cân bằng trong nền kinh tế với nợ công ngày càng tăng.
Có thể do yếu tố xuất thân không mấy khá giả, ông Lý thường xuyên quan tâm tới vấn đề việc làm, doanh nghiệp nhỏ, và lao động di cư, nhất là sau đại dịch Covid-19. Ông là lãnh đạo trung ương đầu tiên đến thăm Vũ Hán vào tháng 1/2020 khi virus corona bùng phát.
Tại một cuộc họp báo cùng năm ấy, Thủ tướng Lý Khắc Cường tiết lộ rằng hơn 40% trong số 1,4 tỷ người Trung Quốc sống với mức thu nhập dưới 1.000 nhân dân tệ/tháng, nhiều người trong số họ không có lương hưu hoặc bảo hiểm y tế.
Ông Lý Khắc Cường cúi chào sau khi trình bày báo cáo cuối cùng trước Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc ở Bắc Kinh vào tháng 3, trước khi ông kết thúc nhiệm kỳ Thủ tướng thứ 2 và cũng là cuối cùng (Ảnh: AFP/Getty).
Trong những năm gần đây, ông Lý đã đưa ra một số sáng kiến chính sách nhằm giảm gánh nặng thuế và phí cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Vào tháng 3, ông tuyên bố chính phủ sẽ tạo điều kiện cắt giảm 2.500 nghìn tỷ nhân dân tệ tiền thuế và phí trong năm nay.
Trong nhiệm kỳ 10 năm qua của cựu Thủ tướng, GDP Trung Quốc đã tăng hơn gấp đôi, lên tới 114 nghìn tỷ nhân dân tệ vào năm ngoái. Tỷ trọng của nước này trong nền kinh tế toàn cầu cũng tăng 7,2%, chạm mức 18,5%, theo dữ liệu từ chính phủ Trung Quốc.
Bên cạnh vấn đề kinh tế, ông Lý Khắc Cường cũng nỗ lực giải quyết một trong những vấn đề lớn của Trung Quốc là ô nhiễm không khí. Tháng 3/2014, khi trình bày báo cáo công việc thường niên, ông Lý nói Trung Quốc sẽ "kiên quyết tuyên chiến với ô nhiễm", cân bằng tăng trưởng với bảo vệ môi trường.
Sau lời cam kết của ông Lý, Trung Quốc ban hành kế hoạch hành động về chất lượng không khí quốc gia, yêu cầu tất cả khu vực đô thị giảm nồng độ hạt bụi mịn trong không khí ít nhất 10%.
Đến nay, mức độ các hạt không khí gây ô nhiễm có hại nhất, PM2.5, đã giảm 2/3 ở Bắc Kinh và tại hầu hết các khu vực còn lại ở miền bắc Trung Quốc.
Theo Xinhua, SCMP, China Daily
Nguồn: Báo điện tử Dân trí
© 2024 | Thời báo ĐỨC