Armenia quyết định rời liên minh quân sự do Nga dẫn đầu

Thủ tướng Pashinyan tuyên bố Armenia sẽ rút khỏi Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO), liên minh quân sự do Nga đứng đầu, song chưa định thời điểm.

"Chúng ta sẽ rời đi và sẽ quyết định khi nào làm việc này. Đừng lo, chúng ta sẽ không quay lại", Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan nói tại quốc hội hôm 12/6, khi được một nghị sĩ hỏi liệu Yerevan có định rút khỏi Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) hay không.

"Các thành viên của CTSO đã không hoàn thành nghĩa vụ của họ theo quy định, thậm chí đang âm mưu cùng Azerbaijan gây chiến với Armenia", ông Pashinyan nói thêm, song không đề cập cụ thể nước nào.

Thủ tướng Armenia từng cáo buộc ít nhất hai thành viên CSTO "thông đồng" với Azerbaijan trong cuộc xung đột kéo dài 44 ngày giữa Yerevan và Baku liên quan đến vùng ly khai Nagorno - Karabakh hồi năm 2020, nhưng không nêu tên.

Ngoại trưởng Armenia Ararat Mirzoyan sau đó cùng ngày giải thích phát biểu của Thủ tướng Pashinyan, cho biết ông không đề cập đến việc lập tức khởi động tiến trình rút Armenia khỏi CSTO, mà chỉ nói điều đó có thể xảy ra trong tương lai.

Nga chưa bình luận về động thái của Armenia.

1 Armenia Quyet Dinh Roi Lien Minh Quan Su Do Nga Dan Dau

Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan phát biểu tại Yerevan hôm 24/5. Ảnh: AFP

CSTO là liên minh quân sự do Nga dẫn đầu, được thành lập năm 1992, với 5 thành viên còn lại gồm Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan. Tương tự NATO, hiến chương CSTO cũng có điều khoản về phòng vệ tập thể, coi hành động tấn công một thành viên đồng nghĩa tấn công cả khối.

Quan hệ giữa Nga và Armenia, đồng minh thân cận của Moskva, trở nên căng thẳng sau khi Azerbaijan mở chiến dịch "chống khủng bố" tấn công phe ly khai thân Armenia tại Nagorno - Karabakh hồi tháng 9/2023. Chiến dịch của Azerbaijan đã khiến hơn 100.000 người gốc Armenia tại Nagorno - Karabakh phải sơ tán về nước, sau khi phe ly khai chấp nhận đầu hàng.

Armenia cho rằng lực lượng gìn giữ hòa bình Nga đồn trú tại Nagorno - Karabakh khi đó đã không có động thái nào trước hoạt động quân sự của Azerbaijan, trong khi CSTO cũng không có can thiệp.

Thủ tướng Pashinyan đã ra loạt tuyên bố chỉ trích nhằm vào CSTO và Nga, khẳng định Yerevan không còn có thể dựa vào Mosvka để bảo đảm an ninh của mình. Ông cũng yêu cầu một số quân nhân Nga đồn trú tại Armenia về nước.

Hồi tháng 2, ông Pashinyan cho biết Armenia sẽ không tham dự các cuộc họp của CSTO và nước này không còn đại diện thường trực tại khối do đã "đóng băng trên thực tế" tư cách thành viên. Sau đó một tháng, ông tuyên bố Armenia sẽ rời khỏi CSTO trừ khi liên minh quân sự này đưa ra cam kết chi tiết và thỏa đáng về việc đảm bảo an ninh cho Yerevan.

Bộ Ngoại giao Nga hồi tháng 3 cho biết Moskva cảm thấy quan ngại trước những tuyên bố công khai về CSTO của giới lãnh đạo chính trị Armenia , cho rằng chúng chỉ nên được đưa ra trong nội bộ khối.

Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2018, Thủ tướng Pashinyan đã tìm cách thoát khỏi sự phụ thuộc an ninh vào Nga và mở rộng quan hệ với phương Tây. Ngoại trưởng Mirzoyan ngày 8/3 cho biết nước này đang cân nhắc gửi đơn xin gia nhập Liên minh châu Âu.

Phạm Giang (Theo Reuters)

Nguồn: VNEXPRESS.NET


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày