Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan - Ảnh: REUTERS
“Trong vài tháng tới, (hy vọng) chúng tôi sẽ ký thỏa thuận và thiết lập quan hệ ngoại giao cùng Azerbaijan”, thủ tướng Armenia phát biểu tại một diễn đàn ngày 25-10 ở thủ đô Tbilisi (Georgia). Theo Hãng tin Reuters, thủ tướng Georgia và Azerbaijan cũng có mặt tại diễn đàn trên.
Armenia và Azerbaijan đã mắc kẹt trong xung đột về Nagorno-Karabakh trong ba thập kỷ qua. Hai quốc gia này không có quan hệ ngoại giao và biên giới chung giữa hai nước vẫn được vũ trang nghiêm ngặt.
Hồi tháng 9 vừa qua, Azerbaijan đã tiến hành một đợt tấn công chớp nhoáng để giành lại Nagorno-Karabakh.
Nagorno-Karabakh được quốc tế công nhận là một phần của Azerbaijan, nhưng 120.000 cư dân ở đây chủ yếu là người dân tộc Armenia. Vụ tấn công hồi tháng trước đã buộc phần lớn người dân tộc Armenia phải rời khỏi khu vực này.
Ngoài ra, Armenia và Azerbaijan từng xảy ra hai cuộc chiến tranh vào những năm 1990 và năm 2020, tại khu vực Nagorno-Karabakh (vùng đất có đông người dân Armenia sinh sống ở Azerbaijan).
Gần đây, cả hai nước đều tuyên bố sẵn sàng ký thỏa thuận hòa bình, dù tiến độ không ổn định và các cuộc giao tranh biên giới thường xuyên vẫn tiếp diễn.
Ngày 26-10, ông Pashinyan cũng cho hay Armenia mong muốn mở biên giới giữa mình và Thổ Nhĩ Kỳ, một đồng minh thân cận của Azerbaijan, cho công dân của các quốc gia thứ 3 và những người có hộ chiếu ngoại giao.
Biên giới giữa Armenia và Thổ Nhĩ Kỳ bị đóng từ năm 1993. Thời điểm đó Ankara cắt đứt quan hệ với Yerevan bởi chiến tranh kéo dài giữa Armenia và Azerbaijan về tranh chấp Nagorno-Karabakh.
Thổ Nhĩ Kỳ từ chối mở cửa lại biên giới nếu Yerevan và Baku không đạt thỏa thuận hòa bình.
Cũng tại diễn đàn ngày 26-10, Thủ tướng Azerbaijan Ali Asadov tuyên bố Baku cam kết với hòa bình và thiết lập lại kết nối giao thông với Armenia kể từ năm 2020. Song ông Asadov cho rằng tiến trình này phụ thuộc vào việc liệu Yerevan có sẵn sàng hành động hay không.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online
© 2024 | Thời báo ĐỨC