Radar phản pháo COBRA của quân đội Đức (Ảnh: Wiki).
Trong một thông cáo được đưa ra hôm 6/9, Bộ Quốc phòng Đức cho biết Berlin đã chuyển giao cho Kiev thêm 5 hệ thống pháo phòng không Gepard cùng một tổ hợp radar phản pháo COBRA.
Đây là tổ hợp đầu tiên trong số 5 tổ hợp radar phản pháo hiện đại mà Đức cam kết cung cấp cho Ukraine. Trước đó, Kiev đã đề nghị Berlin viện trợ 40 tổ hợp radar loại này.
Radar phản pháo COBRA được thiết kế và chế tạo bởi các tập đoàn công nghiệp quốc phòng hàng đầu thế giới bao gồm Thales, Airbus Defense & Space cùng Lockheed Martin cho quân đội Đức, Anh và Pháp.
Theo các chuyên gia quân sự, COBRA là một radar phản pháo ưu việt sử dụng công nghệ quét mạng pha điện tử chủ động 3D. Được trang bị hơn 20.000 mạng tích hợp trong mỗi anten, radar này có khả năng phát hiện hỏa lực, theo dõi đường đạn, xác định tọa độ các khẩu đội pháo binh đối phương và chỉ thị mục tiêu cho pháo binh đánh chặn ở tầm "cực xa". Bên cạnh đó, hệ thống điều khiển điện tử tiên tiến cũng cho phép radar này đối phó với các cuộc pháo kích dồn dập từ nhiều hướng khác nhau.
Được đặt trên khung gầm xe tải quân sự bánh lốp với kíp vận hành 3 người, COBRA có sự cơ động và linh hoạt cao, qua đó trở nên rất phù hợp với điều kiện chiến đấu tại chiến trường Ukraine
Lựu pháo tự hành PzH-2000 (Ảnh: Wikipedia).
Theo các chỉ huy quân sự Ukraine, tổ hợp radar phản pháo COBRA phối hợp cùng các pháo tự hành PzH-2000 cỡ nòng 155mm sẽ tạo thành một bộ đôi uy lực, giúp Kiev cân bằng hỏa lực pháo binh vượt trội của quân đội Nga.
Trước đó, Đức và Hà Lan đã cam kết sẽ chuyển giao 18 khẩu PzH-2000 cho Ukraine. Chính phủ Đức cũng đã "bật đèn xanh" cho nhà thầu Krauss-Maffei Wegmann sản xuất 100 khẩu lựu pháo tự hành PzH-2000 cho quân đội Ukraine trong khuôn khổ một thương vụ trị giá 1,7 tỷ USD.
Theo thống kê của Bộ Quốc phòng Đức, kể từ khi chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine nổ ra, Berlin đã gửi cho Kiev: 20 tổ hợp pháo phòng không Gepard, 53.000 viên đạn pháo phòng không, 54 xe bọc thép M113, 900 súng chống tăng Panzerfaust 3 cùng đạn dược đi kèm, 14.900 mìn chống tăng, 3.200 tên lửa phòng không vác vai Stinger và Strela, 10 pháo tự hành Pzh-2000, 100 súng máy MG3, 50 hỏa tiễn xuyên phá boong-ke, 403.000 suất ăn dã chiến, nhiều vũ khí cá nhân cùng gần 22 triệu viên đạn cỡ nhỏ.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz bên cạnh một pháo phòng không tự hành Gepard vào tháng 8/2022 (Ảnh: Getty).
Bên cạnh đó, Berlin cũng đang có kế hoạch hỗ trợ nâng cấp khả năng phòng thủ bầu trời Ukraine bằng cách cung cấp cho Kiev các tổ hợp tên lửa phòng không IRIS-T SLM. Nhiều nguồn tin còn khẳng định các xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard của Đức cũng sẽ sớm được chuyển đến Ukraine.
Theo Bộ Quốc phòng Đức, Forbes
© 2024 | Thời báo ĐỨC