Hồi cuối tháng 8, ông Scholz trở thành mục tiêu công kích của một loạt từ báo Đức.
Nhật báo Bild chỉ trích gay gắt Thủ tướng trong khi tờ Spiegel phê phán phong cách giao tiếp ngập ngừng của nhà lãnh đạo Đức trong bài viết với tiêu đề “Scholz im lặng”. Trang podcast The Pioneer kết luận Thủ tướng Scholz vừa trải qua “một tuần kinh hoàng”.
Nguyên nhân bắt nguồn từ việc ông không lên tiếng với tuyên bố cáo buộc Israel gây ra “50 vụ thảm sát Holocauts” của Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas khi cả hai đứng cạnh nhau ở Berlin.
Nhưng sự bất mãn với nhà lãnh đạo Đức vốn đã âm ỉ từ trước đó.
Kể từ khi nhậm chức cuối tháng 12 năm ngoái, ông Scholz phải vật lộn để tìm kiếm chỗ đứng của mình với tư cách nhà lãnh đạo nền dân chủ lớn nhất châu Âu và người kế nhiệm của bà Merkel – vị thủ tướng tại vị lâu nhất lục địa già.
Nhưng vấn đề của ông Scholz không chỉ nằm ở trong nước. Với sức mạnh kinh tế và chính trị của Đức ở châu Âu, đường hướng lãnh đạo của chính quyền Berlin có ý nghĩa quan trọng với vai trò lãnh đạo trong Liên minh châu Âu (EU) ở thời diểm không một quốc gia nào có thể thay thế vị trí đầu tàu của họ.
Bị cáo buộc quá xa cách và thụ động trong giao tiếp, tỷ lệ ủng hộ ông Scholz trong các cuộc thăm dò gần đây đã sụt giảm, thua xa Phó thủ tướng và Ngoại trưởng của ông.
Ở nước ngoài, ông cũng không thu được nhiều cái nhìn thiện cảm.
Vào tháng 2, ông Scholz gây bất ngờ khi công bố đáp trả việc Nga đưa quân sang Ukraine bằng kế hoạch trị giá 100 tỷ USD nhằm tái vũ trang quân đội, gửi vũ khí cho Kiev và chấm dứt phụ thuộc vào năng lượng Nga.
Đó là sự thay đổi chính sách đối ngoại lớn nhất của Đức kể từ sau Chiến tranh Lạnh, điều mà ông Scholz gọi là Zeitenwende – thay đổi mang tính lịch sử.
Nhưng trong gần 6 tháng kể từ khi xung đột Ukraine nổ ra, ông tỏ ra không quá mặn mà với lệnh cấm vận khí đốt, cho rằng nó quá tốn kém. Ông cũng chần chừ trong việc chuyển giao vũ khí cho Kiev.
Theo báo cáo mới đây của Viện kinh tế Đức ở Cologne, Đức có thể sẽ một lần nữa thất bại với mục tiêu dành 2% GDP cho quốc phòng.
“Kể từ sau bài phát biểu Zeitenwende là một loạt các sự cố. Rất nhiều điều đã được hứa hẹn, nhưng khi bạn nhìn vào thực tế thì chẳng có mấy thứ ấn tượng trong khi cuộc chiến đã qua được 6 tháng”, ông Sudha David-Wilp – phó Giám đốc văn phòng Quỹ German Marshall ở Berlin cho hay.
“Ông ấy thiếu kỹ năng giao tiếp và hay do dự”, chuyên gia này nói thêm.
Sự lưỡng lự đó bộc lộ rõ ràng khi ông tổ chức cuộc họp báo chung với Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas hồi tháng trước. Khi được hỏi liệu ông có sẵn sàng xin lỗi vì vụ tấn công khủng bố của Palestine tại Thế vận hội năm 1972 ở Munich khiến 11 vận động viên Israel thiệt mạng hay không, Tổng thống Abbas chỉ trích ngược người Israel.
“Từ năm 1947 đến nay, Israel đã thực hiện 50 vụ thảm sát tại 50 địa điểm của người Palestine”, ông Abbas nói trước khi nhắc tới “50 vụ thảm sát Holocaust” – cuộc tàn sát chủng tộc đối với 6 triệu người Do Thái trong thời gian Thế chiến II do Đức Quốc xã gây ra.
Ông Scholz đứng cạnh đanh mặt nhưng lại không đưa ra bất cứ tuyên bố nào. Ông bắt tay ông Abbas khi người phát ngôn của ông kết thúc cuộc họp báo ngay sau đó.
Theo VTC
© 2024 | Thời báo ĐỨC