Nghị viện Châu âu cân nhắc việc xóa bỏ giờ mùa hè

Đầu tháng trước, Nghị viện châu Âu đã yêu cầu Hội đồng châu Âu kiểm tra lại ưu và khuyến điểm của việc đổi sang giờ mùa Hè và xóa bỏ quy định này nếu cần thiết.

Tại Đức và một số nước trên thế giới hiện đang duy trì hai chế độ thời gian: Giờ mùa Đông và giờ mùa Hè.

Giờ mùa hè bắt đầu từ ngày chủ nhật cuối cùng của tháng 3 và giờ mùa Đông bắt đầu từ chủ nhật cuối cùng của tháng 10. Năm nay, thời khắc đổi sang giờ mùa Hè rơi vào ngày 25.03.2018.

Vào lúc 2 giờ sáng, kim đồng hồ sẽ được vặn lên một tiếng, tức từ 2 giờ lên 3 giờ sáng.

Đức và Việt Nam sẽ cách nhau 5 múi giờ.

Việc đổi giờ luôn được thực hiện vào ngày chủ nhật để không ảnh hưởng đến giờ làm việc của mọi người.

Nghị viện Châu âu cân nhắc việc xóa bỏ giờ mùa hè - 0

Nghị viện châu Âu cân nhắc xóa bỏ giờ mùa Hè

Đầu tháng trước, Nghị viện châu Âu đã yêu cầu Hội đồng châu Âu kiểm tra lại ưu và khuyến điểm của việc đổi sang giờ mùa Hè và xóa bỏ quy định này nếu cần thiết.

Từ nhiều năm nay, việc đổi giờ đã bị nhiều người phản đối. Ngay cả khi Nghị viện châu Âu muốn xóa bỏ giờ mùa Hè, cũng không thể tự ý đưa ra quyết định mà phải yêu cầu Hội đồng EU thương lượng với các nước thành viên để đi đến thống nhất.

Quy ước đổi giờ mùa Đông và mùa Hè chính thức được áp dụng tại đa số các nước châu Âu vào năm 1977, Đức tái áp dụng vào năm 1980.

Lần đầu chính phủ Đức áp dụng quy ước này khi xảy ra chiến tranh thế giới thứ nhất năm 1916, sau đó nước Anh và Ireland cũng nối gót.

Từ năm 1947 đến 1949 nước Đức còn áp dụng „Giờ cao điểm mùa hè – Hochsommerzeit“, có nghĩa áp dụng quy ước này đến 2 lần trong năm, đồng hồ được chỉnh thêm 2 giờ nữa.

Nguyên nhân áp dụng quy ước đổi giờ một phần do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng dầu năm 1973.

Ở những nước ôn đới như Đức, vào mùa Hè ngày dài, đến 9 giờ tối trời vẫn sáng, trong khi mùa Đông 4 giờ chiều trời đã tối. Do đó, áp dụng đổi giờ để sử dụng ánh sáng ban ngày hiệu quả hơn nhằm tiết kiệm năng lượng.

Người đầu tiên đưa ra ý tưởng đổi giờ để tiết kiệm năng lượng là Benjamin Franklin trong một bức thư gửi đển „Tạp chí Paris“ vào tháng 4.1784.

Tuy nhiên, mãi đến năm 1907, chủ đề này mới được William Willett đem ra thảo luận trong bài viết „Lãng phí ánh sáng ban ngày“. Theo ông, mọi người dành phần lớn thời gian buổi sáng để ngủ nên rất lãng phí ánh sáng.

Ông đề xuất điều chỉnh đồng hồ sớm hơn vào mùa hè để mọi người ra khỏi giường hớm hơn. Ý tưởng của Willet được trình lên Hạ viện nhưng không được thông qua.

Ngay từ khi áp dụng, quy ước đổi giờ đã gặp nhiều tranh cãi.

Theo Bộ Môi trường Liên bang, việc chỉnh đồng hồ là con dao hai lưỡi. Mặc dù có thể sử dụng nhiều ánh sáng ban ngày, tiết kiệm điện vào buổi tối, nhưng bù lại, buổi sáng phải sưởi nhiều hơn, đặc biệt vào các tháng lạnh như tháng 3, 4, 10.

Qua đó, năng lượng tiêu thụ thậm chí cao hơn.

Đến nay, một số nước quyết định từ bỏ giờ mùa đông khi nhận ra việc đổi giờ không mang lại nhiều lợi ích, tiêu biểu như Thổ Nhĩ Kì đã tuyên bố huỷ bỏ việc đổi giờ vào tháng 9-2016, áp dụng giờ mùa Hè cho cả năm.

Hồng Anh - Tạp chí NƯỚC ĐỨC


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày