Trong diễn văn đầu tiên của nhiệm kỳ mới, Thủ tướng Angela Merkel đã có những chia sẻ về bà và tầm nhìn của chính phủ mới
1. Thừa nhận mình đã ngây thơ
Merkel bắt đầu bài phát biểu của mình bằng việc khẳng định rằng có gì đó đã thay đổi trong nước Đức. Bà đặt câu hỏi rằng tại sao lại mất nhiều thời gian đến vậy để xây dựng một chính phủ mới, dù nước Đức hùng mạnh đã đạt được những thành tựu lừng lẫy kể từ khi thống nhất.
Bà chỉ ra cuộc khủng hoảng người tị nạn là nguyên nhân chính cho sự thay đổi này, gọi đó là "một thách thức chưa từng có trong lịch sử".
Bà tiếp tục nói rằng Đức đã mắc sai lầm khi giải quyết vấn đề về người tị nạn. Nhưng nếu các nhà phê bình cánh hữu đang hy vọng một lời tuyên bố từ bà rằng Đức đã chứa chấp quá nhiều người, họ sẽ thất vọng.
Merkel xin lỗi vì thiếu hỗ trợ ban đầu cho những người chạy trốn khỏi chiến tranh ở Trung Đông và các khu vực khác.
Bà nói rằng sau khi chiến tranh nổ ra ở Syria, các nhà lãnh đạo bao gồm cả chính bà "chỉ phản ứng nửa vời và hy vọng rằng những vấn đề sẽ không ảnh hưởng đến nước mình. Trong kỷ nguyên số, đó là một hy vọng không chỉ sai lầm mà còn ngây thơ."
Các nhà lãnh đạo châu Âu ngoảnh mặt ngó lơ trong khi những kẻ buôn lậu lợi dụng dân tị nạn – những người chẳng có đủ thức ăn, nước uống, huống chi đến đầu tư giáo dục cho con em mình.
Bà nói thêm rằng Đức đã làm chủ được vấn đề này và tự hào về nó, trong tràng pháo tay hưởng ứng từ các nghị sĩ.
2. Thừa nhận mình nhàm chán
Thủ tướng không phải là người hùng biện giỏi. Trong suốt một thập kỉ ở trên đỉnh cao quyền lực, “người đàn bà thép” ít khi nói ra nhưng điều thực sự hằn in vào trí nhớ. Nhưng đó là điều bà thích ở bản thân mình. Bởi đối với Merkel, hành động có ý nghĩa nhiều hơn lời nói.
Tuy nhiên, cái gì cũng có ngoại lệ. Tháng 8 năm 2015, vài ngày trước khi mở cửa cho người tị nạn Syria, về cuộc khủng hoảng người tị nạn, Merkel tuyên bố: "wir schaffen das" (chúng ta có thể giải quyết nó). Đối với những người ủng hộ, câu nói trở thành biểu tượng cho sự dũng cảm của bà, còn phe đối lập lại cho rằng bà đang ảo tưởng.
Hôm thứ Tư, bà Merkel nói rằng tranh cãi về vấn đề tị nạn đã dẫn đến sự chia rẽ đất nước.
Sự chia rẽ trở nên cực đoan đến mức câu nói ban đầu" Wir schaffen das” mà bà đã sử dụng vô số lần trong sự nghiệp chính trị, đã trở thành tâm điểm bàn tán của cuộc đối đầu này.
Vì vậy, bây giờ chúng ta biết. Merkel là người ngạc nhiên nhất trong số chúng ta khi câu nói của bà được chú ý đến như vậy.
3. Muốn người Hồi giáo hoà nhập với nước Đức
Merkel nói: "Khoảng 4,5 triệu người Hồi giáo sống ở Đức, và đa số họ chống lại khủng bố Hồi giáo cực đoan như tất cả chúng ta.” Và theo bà, với số dân như vậy, Hồi giáo đã trở thành một phần của Đức.
Tất cả chúng ta đều biết về quan điểm của Merkel trong vấn đề người Hồi giáo.
Kitô giáo và Do thái giáo đều liên kết với nhà nước thông qua các hệ thống thuế và các tổ chức chung ở cấp liên bang và khu vực, bà cho rằng điều tương tự cũng nên diễn ra đối với đạo Hồi.
Điều này dường như cho thấy chính phủ của bà có kế hoạch can thiệp vào việc đào tạo những người đứng đầu cho các nhà thờ Hồi giáo, một điều thường được tiến hành bởi các tổ chức Thổ Nhĩ Kỳ.
4. Từ yêu thích của bà là Zusammenhalt
Trong suốt bài diễn văn của bà, Merkel nhắc đến từ Zusammenhalt - sự đoàn kết - giữa người Đức và dân tộc thiểu số, giữa già và trẻ, giữa người giàu và người nghèo.
Tình đoàn kết bắt đầu trong gia đình. Bà đề cập đến quyền lợi trẻ em sẽ được củng cố dưới thời chính phủ mới. Một trong những mục tiêu chính là đưa trẻ em thoát khỏi tình trạng đói nghèo.
Bà nói: "Tình trạng nghèo đói ở trẻ em tại một đất nước giàu có như Đức là một điều đáng hổ thẹn.”
Một khía cạnh khác của tình đoàn kết mà bà đề cập là hỗ trợ người dân có được ngôi nhà như ý muốn. Bà cam kết rằng 1,5 triệu ngôi nhà mới sẽ được xây và 2 tỷ đô la sẽ được đầu tư vào nhà ở xã hội.
Bà cũng cam kết cải thiện phúc lợi cho người cao tuổi cũng như lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ và nhận được sự ủng hộ từ Bundestag.
Không phải ngẫu nhiên mà Thủ tướng dùng từ “đoàn kết”. Điều làm nên thành công của Merkel ngày hôm nay chính là khả năng vượt qua nhưng chia rẽ, bất đồng của bà.
Bằng cách chọn một từ đại diện cho chính phủ mới, tác động đến lương tâm của mọi người ở mọi tầng lớp, phe phái, Merkel đang xây dựng danh tiếng của mình với hình ảnh một chính trị gia trung dung và quan tâm tới đại cục.
5. Một liên minh kinh tế của châu Âu
Chúng ta không quên, năm 2015, việc Merkel bảo đảm Hi Lạp không bị gạt ra khỏi khối đồng tiền chung Châu Âu đã trở thành một cột mốc khác trong sự nghiệp của bà, bên cạnh vấn đề người tị nạn.
Bà đã nói rõ trong bài phát biểu của mình hôm thứ Tư rằng mục tiêu bốn năm tới sẽ là xây dựng các cấu trúc mới để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng nợ Hy Lạp lặp lại.
Thủ tướng nhấn mạnh rằng hội nhập kinh tế Châu Âu cần diễn ra chặt chẽ hơn, đồng thời nói rằng các quyết định quan trọng vẫn sẽ được thực hiện ở từng quốc gia.
Hội nhập kinh tế "không đơn thuần chỉ là hội nhập vào một thị trường", bà nói.
"Chúng ta đã thấy những sai lầm của một nước thành viên có thể đẩy các nền kinh tế khác vào khủng hoảng . Điều này không được phép lặp lại, chúng ta cần phát triển một cấu trúc hoàn chỉnh cho khối đồng tiền chung Châu Âu."
Merkel dường như đang hy vọng rằng, nếu những năm 2013-2017 đánh dấu thời kì chính phủ bà lâm vào khủng hoảng, thì giai đoạn 2018-2021 là thời điểm bà áp dụng những kinh nghiệm học được vào thực tế.
Hồng Anh - Tạp chí NƯỚC ĐỨC
© 2024 | Thời báo ĐỨC