Brexit và chính quyền của ông Trump với khẩu hiệu nước Mỹ là số một trong các chính sách kinh tế khiến các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) phải đặt việc ký kết các thỏa thuận thương mại mới thành chính sách ưu tiên hàng đầu của mình hiện nay.
Những đe dọa sẽ nới lỏng quan hệ với châu Âu cả về thương mại lẫn địa chính trị và quan điểm không ủng hộ tự do thương mại, cũng như việc công kích các chính sách kinh tế Đức của Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khiến EU nhận thấy các hiệp định thương mại với các đối tác khác nhau trên toàn cầu càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Dù không chính thức loại bỏ ý tưởng ký kết thỏa thuận thương mại và đầu tư với EU, nhưng chính quyền của ông Trump đã ngừng tiến trình đàm phán thỏa thuận thương mại song phương này, vốn đã được khởi động từ năm 2013 dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama.
Trên thực tế, một số điểm trong đề xuất hiệp định này cũng vấp phải những ý kiến phản đối tại châu Âu.
Tổng thống Trump cũng có ý định đàm phán lại Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA), đồng thời tuyên bố rút Mỹ khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Động thái này khiến Nhật Bản choáng váng, và thúc đẩy Tokyo tiến tới ký kết hiệp định thương mại tự do với EU vào cuối năm 2017.
Các cuộc đàm phán giữa Nhật Bản và EU đã bắt đầu từ tháng 3/2013, song bị kéo dài do Tokyo miễn cưỡng mở cửa nền kinh tế cho các mặt hàng nông sản của châu Âu, trong khi châu Âu phản đối việc giảm thuế cho ô tô nhập khẩu từ Nhật Bản.
Bên cạnh đó, Brexit cũng là yếu tố khiến EU tập trung vào việc tìm kiếm các thỏa thuận thương mại với nhiều đối tác khác nữa.
Thậm chí trước khi diễn ra cuộc trưng cầu dân ý hồi tháng 6/2016, EU đã xúc tiến các thỏa thuận thương mại với các đối tác tại châu Á và châu Mỹ.
Nhìn từ góc độ của nước Anh, một thỏa thuận thương mại hậu Brexit với EU là điều rất cần thiết, trong khi đối với EU thỏa thuận thương mại với "xứ sở sương mù" chỉ là một phần của một bức tranh lớn hơn.
Theo nhà kinh tế học Jonathan Portes, chỉ khoảng 16% hoạt động thương mại của EU là được tiến hành với nước Anh.
Nói vậy, không có nghĩa là EU không cần có một thỏa thuận thương mại với London. Nhưng đối với thương mại toàn cầu, EU được vận hành trên một quy mô lớn hơn nước Anh.
EU đẩy mạnh liên kết với Nhật Bản và các nước khác thể hiện mối quan tâm chính của khối này là mở cửa thị trường và hoạt động trên nguyên tắc trật tự thương mại quốc tế.
Những bước tiến tới một thỏa thuận thương mại EU-Ấn Độ là điều có thể xảy ra.
Những cuộc đàm phán này bắt đầu diễn ra từ năm 2007 và hầu như cả hai bên đều không coi vấn đề này cần được ưu tiên.
Một số lý do cản trở các cuộc đàm phán này là mức thuế Ấn Độ muốn áp đối với rượu Whisky của Anh và Anh phản đối cơ chế visa tự do cho các nhân viên Ấn Độ.
Những rào cản này chủ yếu liên quan đến nước Anh, do vậy Brexit có thể sẽ khiến con đường dẫn đến hiệp định thương mại EU-Ấn Độ trở nên dễ dàng hơn.
Ngoài ra, EU đã hoàn tất, hoặc gần như hoàn tất các cuộc đàm phán thương mại tự do với Canada, Singapore và Việt Nam. EU cũng đang tiến hành đàm phán hiệp ước thương mại bổ sung với Mexico và sẽ tiến hành đàm phán với bốn quốc gia thuộc Mercosur: Argentina, Brazil, Paraguay và Uruguay./.
Vietnam+
© 2024 | Thời báo ĐỨC