Chủ tịch Ủy Ban Nhân dân Thành phố Hà Nội, ông Trần Sỹ Thanh khẳng định trước bạn bè quốc tế khi tham dự hội nghị các thị trưởng ASEAN tại Lào rằng, Hà Nội hiện không có người ăn xin ăn mày, không có người vô gia cư. Theo ông Thanh, những người ngủ đêm ở gầm cầu, ở chợ là do đặc thù công việc chứ không phải không có nhà ở.
Tại cuộc tiếp xúc cử tri hai huyện Mê Linh và Sóc Sơn ngày 11 tháng 10 vừa qua, ông Thanh một lần nữa khẳng định Hà Nội hiện không có người ăn xin ăn mày, không có người vô gia cư.
Một luật sư ở Hà Nội, yêu cầu ẩn danh, nói với RFA hôm 16 tháng 10 năm 2024:
“Tôi thấy ông Chủ tịch Hà Nội đang phát biểu rất là sai, bởi chính mắt tôi thấy rất nhiều người vô gia cư, người ăn xin trên đường phố. Những người này không có công ăn việc làm. Không có ai có công ăn việc làm mà phải ngủ gầm cầu vì đặc thù công việc như ông ấy nói cả.
Sở dĩ ông Chủ tịch Hà Nội phát biểu vậy vì lãnh đạo Việt Nam không chịu trách nhiệm về lời nói của mình. Họ phát biểu sai sự thật trước dân mà có ai phải chịu trách nhiệm đâu, vì dân có bầu họ lên đâu. Nếu ông Trần Sỹ Thanh do dân bầu lên thì tôi chắc chắn ông này phải đứng ra xin lỗi người dân Hà Nội. Còn bây giờ họ cứ nói lấy được, nói bất chấp sự thật. Tôi chẳng lạ gì những phát biểu của các quan chức cộng sản cả”.
Tôi thấy ông Chủ tịch Hà Nội đang phát biểu rất là sai, bởi chính mắt tôi thấy rất nhiều người vô gia cư, người ăn xin trên đường phố. Những người này không có công ăn việc làm. Không có ai có công ăn việc làm mà phải ngủ gầm cầu vì đặc thù công việc như ông ấy nói cả. - Một luật sư ở Hà Nội
Một cụ già vô gia cư trên đường phố ở Hà Nội vào ngày 8/2/2016 khi người dân Việt Nam đang đón Tết
Trước Tết Nguyên đán 2024, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội chỉ đạo các tỉnh, thành kiên quyết không để tình trạng người lang thang xin ăn trên đường phố Hà Nội.
Thống kê sau đó cho thấy, Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ bảo trợ trẻ em Hà Nội đã tập trung, tiếp nhận hơn 500 người, trong đó 98% là những người lang thang xin ăn, xin tiền; số còn lại là trẻ em, người cao tuổi bị lạc gia đình. Trung tâm đã xây dựng kế hoạch và triển khai tổ chức thực hiện nhiều giải pháp để thực hiện hiệu quả công tác này. Tuy vậy, sau Tết, những người này lại rời trung tâm đi ăn xin khắp các hang cùng ngõ hẻm.
Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh
Ông Hoàng, một người dân Hà Nội (không muốn nêu tên đầy đủ) khẳng định với RFA:
“Ôi, ăn mày và vô gia cư thì nhiều nhưng chắc ông Chủ tịch Hà Nội ngồi trên xe ô tô nên không thấy thôi. Hoặc biết nhưng vẫn nói theo kiểu thành tích thôi chứ bọn em đi suốt ngày ngoài đường thì gặp đầy. Nhiều lắm.
Tất cả những ngày quan trọng thì họ bắt nhốt hết những người đó vào một chỗ để ống kính nước ngoài không thấy. Chỗ nhà em dân lao động đứng tìm việc nhiều lắm. Trước ba ngày có những sự kiện quan trọng thì phường ra thông báo phải trở về quê ngay, nếu không sẽ bị bắt”.
Tình trạng người vô gia cư co ro ở vỉa hè Hà Nội trong những ngày đông giá từng được báo chí nhà nước lên tiếng trong một bài viết trên báo Giao Thông có tựa “Người vô gia cư co ro ở vỉa hè Hà Nội trong rét buốt”. Bài báo cho hay, khi nhiệt độ ở Hà Nội vào những đêm đông xuống còn 8-10 độ C, những người vô gia cư vẫn lấy vỉa hè làm nơi trú ngụ với chiếc chăn mỏng cũ, rách để giữ ấm. Thậm chí, khi không có chăn, họ phải lấy những tấm bìa carton rồi bao tải dùng để nằm và đắp lên người.
Tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam được thực hiện theo chu kỳ 10 năm một lần, lần mới nhất vào năm 2019 cho thấy, tính đến thời điểm 0 giờ ngày 1 tháng 4 năm 2019, cả nước có 26.870.079 hộ dân, trong đó có đến 4.800 hộ dân không có nhà ở. Như vậy, trung bình cứ 10.000 hộ dân thì có khoảng 1,8 hộ dân không có nhà ở.
Ôi, ăn mày và vô gia cư thì nhiều nhưng chắc ông Chủ tịch Hà Nội ngồi trên xe ô tô nên không thấy thôi. Hoặc biết nhưng vẫn nói theo kiểu thành tích thôi chứ bọn em đi suốt ngày ngoài đường thì gặp đầy. Nhiều lắm. - Ông Hoàng, một người dân Hà Nội
Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ bảo trợ trẻ em Hà Nội (trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội) cho báo chí biết, Trung tâm và Quỹ được giao nhiệm vụ thực hiện công tác tập trung người lang thang trên địa bàn 10 quận và 4 huyện của thành phố Hà Nội.
Kết quả cho thấy, sáu tháng đầu năm 2024, Đội Trật tự xã hội của Trung tâm đã tập trung, tiếp nhận 225 người lang thang. Trong đó, người lang thang có hành vi xin ăn, xin tiền là 202 người; người lang thang sinh sống ở nơi công cộng là 20 người; trẻ em, người cao tuổi đi lạc gia đình có ba người.
Truyền thông Nhà nước cho hay, tại các điểm du lịch lớn của Thủ đô như hồ Gươm, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Nhà hát Lớn, khu vực phố cổ không còn tình trạng người lớn dẫn theo trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi để bán hàng rong, đeo bám, chèo kéo người đi đường và khách du lịch. Tại các tuyến phố lớn, trục đường chính đã giảm hẳn tình trạng người lang thang tràn ra lòng đường xin ăn, xin tiền.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai, nguyên Trưởng Ban nghiên cứu - Ban dân Vận Trung ương, nói với RFA:
“Số người ăn xin, vô gia cư có giảm so với ngày trước chứ không hết hẳn đâu. Nhà nước cũng có hỗ trợ nhưng không đều và không rõ ràng. Họ tự lo lấy thôi. Những trung tâm bảo trợ cũng có nhưng không dễ gì vào đấy. Những cơ sở từ thiện của tôn giáo cũng giúp đỡ. Đây là một vấn đề xã hội. Khi xã hội đang nghèo thì không tránh được tình trạng ấy.
Sự giúp đỡ những người vô gia cư, ăn xin phải có sự giúp đỡ của nhà nước, và những hội đoàn từ thiện phải được hoạt động một cách rõ ràng, minh bạch thì mới giải quyết được, chứ nhà nước lo không xuể”.
Hà Nội cho biết sẽ có phương án nuôi dưỡng lâu dài những người vô gia cư, những người ăn xin theo Quyết định số 2252 của Uỷ Ban Nhân dân thành phố này. Theo đó, những người xin ăn, xin tiền được lập hồ sơ quản lý, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội ra quyết định tiếp nhận vào cơ sở trợ giúp xã hội nuôi dưỡng trong tối đa ba tháng. Nếu quá ba tháng chưa đưa được họ về gia đình thì giám đốc cơ sở trợ giúp xã hội đề xuất Sở Lao động - Thương binh và Xã hội ra quyết định giải pháp nuôi dưỡng phù hợp.
Nguồn: RFA
© 2024 | Thời báo ĐỨC