Hôm 18/3, Bộ trưởng Tư pháp Đức Marco Buschmann nói rằng việc ICC phát lệnh bắt Tổng thống Nga Vladimir Putin và Ủy viên Tổng thống Nga phụ trách quyền trẻ em Maria Lvova-Belov là "tín hiệu quan trọng thể hiện quyết tâm". Ông Buschmann đồng thời tuyên bố Đức tuân thủ lệnh này và có nghĩa vụ bắt Tổng thống Nga, bàn giao cho ICC nếu ông Putin đặt chân đến lãnh thổ Đức.
Theo ông Buschmann, không giống như cơ quan thực thi pháp luật quốc gia, ICC có thể có hành động pháp lý chống lại các nguyên thủ quốc gia. Trước đó, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng hoan nghênh quyết định của ICC và cho rằng lệnh bắt ông Putin cho thấy không ai đứng ngoài vòng luật pháp.
Tổng thống Nga Vladimir Putin chủ trì cuộc họp về phát triển kinh tế và xã hội của Crimea và Sevastopol qua video tại Điện Kremlin ở Moscow vào ngày 17 tháng 3 năm 2023. (Ảnh: MIKHAIL METZEL/ SPUTNIK/AFP via Getty Images)
Đức đến nay là quốc gia duy nhất công khai tuyên bố sẽ thực thi lệnh bắt ông Putin do ICC ban hành. Các nước thành viên ICC như Anh, Pháp, Canada cam kết ủng hộ tòa án này và lệnh bắt song không nêu chi tiết các động thái pháp lý của họ.
Phản ứng với tuyên bố từ phía Đức, Đại sứ Nga tại Đức Sergey Nechayev cho rằng lập trường của Berlin đối với lệnh bắt của ICC "gây lo ngại cực độ" và là bằng chứng mới về mong muốn leo thang căng thẳng của Đức. Chủ tịch Ủy ban Điều tra Nga Aleksandr Bastrykin hôm 19/3 đã yêu cầu các cơ quan nước này tiến hành đánh giá pháp lý về tuyên bố của Bộ trưởng Tư pháp Đức.
Trong khi đó, Nam Phi nói rằng họ nhận thức được nghĩa vụ pháp lý khi đề cập về khả năng ông Putin tới nước này sau lệnh bắt từ ICC.
"Chúng tôi, với tư cách là một chính phủ, hoàn toàn nhận thức được nghĩa vụ pháp lý của mình. Tuy nhiên, từ nay cho tới khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh, chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác với các bên liên quan", phát ngôn viên chính phủ Nam Phi Vincent Magwenya cho biết hôm 19/3, đề cập đến lệnh bắt Tổng thống Nga Vladimir Putin của ICC.
Nga chưa xác nhận song Tổng thống Putin được cho là sẽ dự hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 15, diễn ra tại Nam Phi vào tháng 8. Nhóm BRICS gồm 5 nước Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và Nam Phi. BRICS chiếm hơn 40% dân số toàn cầu và gần 1/4 GDP thế giới.
Chuyến thăm của ông Putin tới Nam Phi được cho là sẽ khiến quốc gia này khó xử sau khi ICC phát lệnh bắt ông hôm 17/3.
Phát ngôn viên Magwenya nói Nam Phi đã nhận được thông tin về lệnh bắt mà ICC ban hành, thêm rằng nước này mong muốn cuộc xung đột ở Ukraine sớm được giải quyết một cách hòa bình thông qua đàm phán.
Về mặt lý thuyết, lệnh bắt từ ICC yêu cầu 123 nước thành viên, trong đó có Nam Phi, bắt Tổng thống Putin và chuyển đến Hà Lan để xét xử nếu ông đặt chân đến lãnh thổ của họ.
Tòa Hình sự Quốc tế (ICC) ngày 17/3 phát lệnh bắt Tổng thống Nga Vladimir Putin và Ủy viên của Tổng thống Nga phụ trách quyền trẻ em Maria Lvova-Belova, với cáo buộc "di chuyển bất hợp pháp" trẻ em Ukraine sang Nga.
Theo quyết định của ICC, Tổng thống Putin "chịu trách nhiệm trực tiếp khi thực hiện hành vi", cũng như "không kiểm soát hoặc cho phép các cơ quan dân sự và quân sự dưới quyền làm điều này".
Đây là lệnh đầu tiên được ICC ban hành đối với các tội ác đã gây ra trong cuộc chiến ở Ukraine, cũng là một trong những trường hợp hiếm hoi khi tòa án ban hành lệnh bắt một nguyên thủ quốc gia đương nhiệm. Điều này đã đưa ông Putin vào cùng danh sách với nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi và Tổng thống Sudan Omar al-Bashir. Đặc biệt, lệnh bắt giữ của ICC vừa qua chính là lần đầu tiên lệnh này nhắm vào nhà lãnh đạo của một trong năm thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Dù vậy, lệnh bắt của ICC đối với ông Putin chủ yếu mang tính biểu tượng nhằm thể hiện thái độ với cuộc chiến ở Ukraine. Quyết định này có tác động thực tiễn hạn chế, bởi Nga không phải bên tham gia ICC và nước này cũng không công nhận thẩm quyền của ICC. Tổng thống Nga nhiều khả năng cũng sẽ không tới thăm các nước mà Moscow cho là "không thân thiện", trong đó có Đức.
Viên Minh (Tổng hợp)
© 2024 | Thời báo ĐỨC