Đây cũng là lần đầu tiên bộ trưởng Quốc Phòng Đức đến Nhật từ 16 năm nay.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz (T) và đồng nhiệm Nhật Fumio Kishida tại phủ thủ tướng Nhật, Tokyo, ngày 18/03/2023. AP - David Mareuil
Theo đài Nhật NHK, trong cuộc hội kiến ngày hôm qua, 18/03/2023, thủ tướng Nhật Kishida Fumio và người đồng cấp Đức Olaf Scholz đã thỏa thuận ‘‘duy trì các trừng phạt nghiêm ngặt với Nga, và hậu thuẫn Ukraine’’.
Hai bên khẳng định cần chấm dứt cuộc xâm lăng của Nga ở Ukraine sớm nhất có thể. Trước các thách thức to lớn hiện nay, chính quyền Đức đang xét lại hoàn toàn chính sách hạn chế hợp tác về an ninh với Nhật.
Thông tín viên Pascal Thibaut từ Berlin cho biết cụ thể:
‘‘Nhật Bản từ lâu vốn đã bị Đức xa lánh. Ở châu Á, Berlin chỉ để mắt đến Trung Quốc. Giờ đây Đức muốn xem xét lại lập trường này. Điểm đến đầu tiên của thủ tướng Đức Olaf Scholz tới khu vực là Nhật Bản. Đi cùng với Olaf Scholz có sáu bộ trưởng và một phái đoàn kinh tế lớn, sẽ tham dự các tham vấn cấp chính phủ đầu tiên giữa hai nước.
Cuộc chiến ở Ukraine đang để lại những hậu quả.Cả hai quốc gia đều có chung một láng giềng Nga gây lo ngại. Hai quốc gia bại trận trong Đệ nhị Thế chiến, từ lâu đã có chủ trương kiềm chế sức mạnh quân sự, nhưng giờ đây muốn tăng cường nỗ lực và phát triển hợp tác an ninh song phương.
Hai quốc gia xuất khẩu và cách tân này, vốn không có tài nguyên về năng lượng, phụ thuộc vào nền kinh tế toàn cầu và các chuỗi cung ứng là thiết yếu để nền kinh tế của họ có thể vận hành tốt.Tokyo và Berlin muốn phát triển hợp tác trong các lĩnh vực chiến lược như khai thác tài nguyên, pin điện hay bán dẫn.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz cảm thấy quan hệ song phương với Nhật Bản đã chuyển sang ‘‘một cấp độ mới’’.Hai tháng nữa, ông Scholz sẽ lại tới Nhật để tham gia hội nghị thượng đỉnh G7 ở Hiroshima vào tháng 5’’.
Hợp tác vì an ninh ở Ấn Độ - Thái Bình Dương
Tăng cường hợp tác vì an ninh tại Ấn Độ - Thái Bình Dương là một nội dung căn bản khác. Theo NHK, hai lãnh đạo chính phủ Nhật - Đức tái khẳng định nguyên tắc thúc đẩy một khu vực ‘‘Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và mở’’.
Thách thức lớn nhất, không được trực tiếp gọi tên, chính là Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Đức liên tiếp 7 năm nay. Chính phủ Nhật dường như đang đặt hy vọng vào việc Đức sẽ có thái độ kiên quyết hơn với Bắc Kinh tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Trả lời đài Đức Deutsche Welle (DW) trước chuyến công du của thủ tướng Đức, ông Toshimitsu Shigemura, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Waseda (Nhật Bản), nhận định:
Thủ tướng Nhật muốn ‘‘trực tiếp hiểu rõ chính sách của Đức với Trung Quốc’’, “Nhật Bản lo ngại sâu sắc về việc Đức và một số nước khác vẫn muốn cố gắng hợp tác với Trung Quốc, bất chấp những vấn đề ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương…
cụ thể như việc Trung Quốc chiếm đóng và quân sự hóa các đảo san hô trên khắp Biển Đông, đàn áp toàn diện giới bất đồng chính kiến ở Hồng Kông, đe dọa Đài Loan và yêu sách lãnh thổ ngày càng hung hăng đối với một số nước láng giềng, trong đó có Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines và Ấn Độ’’.
Trọng Thành (RFI)
© 2024 | Thời báo ĐỨC