Đức tuyên bố tuân thủ lệnh bắt ông Putin của ICC

Bộ trưởng Tư pháp Đức nói nước này sẽ bắt ông Putin theo lệnh của Tòa Hình sự Quốc tế (ICC) nếu Tổng thống Nga đến nước này.

Bộ trưởng Tư pháp Đức Marco Buschmann hôm 18/3 nói rằng việc ICC phát lệnh bắt Tổng thống Nga Vladimir Putin và Ủy viên Tổng thống Nga phụ trách quyền trẻ em Maria Lvova-Belov là "tín hiệu quan trọng thể hiện quyết tâm". Ông Buschmann đồng thời tuyên bố Đức tuân thủ lệnh này và có nghĩa vụ bắt Tổng thống Nga, bàn giao cho ICC nếu ông Putin đặt chân đến lãnh thổ Đức.

Theo ông Buschmann, không giống như cơ quan thực thi pháp luật quốc gia, ICC có thể có hành động pháp lý chống lại các nguyên thủ quốc gia. Trước đó, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng hoan nghênh quyết định của ICC và cho rằng lệnh bắt ông Putin cho thấy không ai đứng ngoài vòng luật pháp.

Đức đến nay là quốc gia duy nhất công khai tuyên bố sẽ thực thi lệnh bắt ông Putin do ICC ban hành. Các nước thành viên ICC như Anh, Pháp, Canada cam kết ủng hộ tòa án này và lệnh bắt, nhưng không nêu chi tiết các động thái pháp lý của họ.

Trong khi đó, Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic chỉ trích lệnh bắt của ICC, cho rằng nó sẽ kéo dài xung đột ở Ukraine. "Câu hỏi của tôi là khi các ngài cáo buộc ông ấy phạm tội, các ngài giờ đây sẽ đàm phán với ai", ông Vucic nói ngày 19/3.

Đại sứ Nga tại Đức Sergey Nechayev cho rằng lập trường của Berlin đối với lệnh bắt của ICC "gây lo ngại cực độ" và là bằng chứng mới về mong muốn leo thang căng thẳng của Đức.

Chủ tịch Ủy ban Điều tra Nga Aleksandr Bastrykin hôm 19/3 đã yêu cầu các cơ quan nước này tiến hành đánh giá pháp lý về tuyên bố của Bộ trưởng Tư pháp Đức.

1 Duc Tuyen Bo Tuan Thu Lenh Bat Ong Putin Cua Icc

ICC ngày 17/3 phát lệnh bắt Tổng thống Putin và Ủy viên Lvova-Belova với cáo buộc "di chuyển bất hợp pháp" trẻ em Ukraine sang Nga. ICC cho rằng hoạt động nói trên diễn ra sau khi xung đột Nga - Ukraine bùng phát.

Theo quyết định của ICC, Tổng thống Putin "chịu trách nhiệm trực tiếp khi thực hiện hành vi", cũng như "không kiểm soát hoặc cho phép các cơ quan dân sự và quân sự dưới quyền làm điều này".

Phản ứng với động thái trên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho rằng "từ quan điểm pháp lý, các quyết định của ICC không có ý nghĩa gì với đất nước chúng tôi".

"Nga không phải bên tham gia Quy chế Rome về ICC và không có nghĩa vụ nào liên quan. Nga không hợp tác với ICC, các lệnh bắt do cơ quan này đưa ra vô hiệu về mặt pháp lý và vô giá trị đối với chúng tôi", bà Zakharova cho biết.

Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cũng lưu ý rằng ICC không được công nhận ở Nga, đồng nghĩa lệnh bắt "vô hiệu theo quan điểm pháp lý".

Theo giới phân tích, lệnh bắt của ICC đối với ông Putin chủ yếu mang tính biểu tượng nhằm thể hiện thái độ với cuộc chiến ở Ukraine. Quyết định này có tác động thực tiễn rất hạn chế, bởi Nga không phải bên tham gia ICC và nước này cũng không công nhận thẩm quyền của ICC. Tổng thống Nga nhiều khả năng cũng sẽ không tới thăm các nước mà Moskva cho là "không thân thiện", trong đó có Đức.

Huyền Lê (Theo DWRTTASS, Pravda)


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày