Cuộc khảo sát của Bitkom được thực hiện đối với 853 công ty toàn ngành IT tại Đức, với kết quả cho thấy số lượng việc làm còn bỏ trống trong năm 2023 tăng 12.000 vị trí so với năm 2022. Nhìn chung, tình trạng thiếu lao động lành nghề trong lĩnh vực IT liên tục tăng lên trong những năm gần đây, ngoại trừ các năm 2020 - 2021 do ảnh hưởng đại dịch COVID-19.
Chủ tịch Bitkom - ông Ralf Wintergerst đánh giá sự thiếu hụt nhân công IT là "vấn đề mang tính hệ thống đối với nền kinh tế Đức". Theo ông, có quá ít lao động lành nghề trong khi có quá nhiều quy định đang làm chậm lại tiến trình phát triển kỹ thuật số ở Đức.
Khảo sát của Bitkom cho thấy, phần lớn các công ty IT ở Đức bi quan về triển vọng tương lai trong vấn đề này. Có tới 77% số các công ty IT được hỏi lo ngại tình trạng thiếu lao động lành nghề sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn trong thời gian tới, trong khi chỉ có 3% số công ty dự đoán tình hình sẽ được cải thiện.
Nước Đức hiện đối mặt tình trạng thiếu hụt lớn lao động có tay nghề trong nhiều lĩnh vực, khiến nền kinh tế lớn nhất châu Âu này phụ thuộc nhiều vào lao động nhập cư. Gần đây, Chính phủ Đức đã cải cách luật nhập cư để những người có trình độ cao ở lại dễ dàng hơn.
Theo quy định mới, từ tháng 3-2024 lao động IT lành nghề chỉ cần 2 năm kinh nghiệm chuyên môn thay vì 3 năm như yêu cầu hiện nay. Hồ sơ xin thị thực nhập cảnh Đức của những lao động này cũng sẽ không yêu cầu bằng đại học và chứng minh khả năng tiếng Đức như trước đây.
Bên cạnh tình trạng các công ty IT thiếu lao động lành nghề trầm trọng, hệ thống trường học và đào tạo của Đức cũng đang đối mặt với thách thức nghiêm trọng. Trong báo cáo Đánh giá Chương trình Sinh viên quốc tế (PISA) năm 2022 do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) thực hiện và công bố tuần trước, thành tích học tập của học sinh ở Đức kém hơn bao giờ hết.
Phó Giám đốc điều hành Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức (DIHK) Achim Dercks cho rằng, báo cáo PISA cho thấy tình cảnh không mấy khả quan của ngành giáo dục mà nước Đức đang gặp phải. Đây là thách thức lớn đối với các công ty phụ thuộc vào nguồn nhân lực được đào tạo bài bản.
PHƯƠNG AN
© 2024 | Thời báo ĐỨC