Châu Âu lúng túng vì Đức chưa đồng tình trừng phạt Nga và Trung Quốc

Phương Tây thảo luận hàng loạt biện pháp nhắm vào kinh tế Nga và Trung Quốc, nhưng sự cẩn trọng của Đức phản ánh thế lưỡng nan của châu Âu.

1 Chau Au Lung Tung Vi Duc Chua Dong Tinh Trung Phat Nga Va Trung Quoc

Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock - Ảnh: REUTERS

Liên minh châu Âu (EU) được cho đã không thể nhất trí về các biện pháp trừng phạt mới nhất nhắm vào ngành khí thiên nhiên hóa lỏng của Nga trong ngày ngày 14-6.

Thông tin được sáu nguồn ngoại giao EU nói với báo Politico, trong đó Đức là bên phản đối thỏa thuận trừng phạt trên ngay trước hội nghị về hòa bình Ukraine tổ chức ngày 15-6.

Một nguồn thạo vấn đề thậm chí liên tưởng Đức với Hungary. Trước đây, khi EU không tìm thấy tiếng nói chung về các vấn đề liên quan tới chính sách trừng phạt với Nga, các nước thường đổ lỗi cho sự phản đối từ Hungary. Và hiện Đức đang trong tư thế tương tự.

Sự phản đối của Đức được thể hiện trong cuộc gặp của lãnh đạo các nước G7 tổ chức ở Ý tuần này, có sự tham gia của giới chóp bu EU. Họ muốn phát thông điệp mạnh mẽ về vấn đề thương mại với Trung Quốc, trong đó có những chỉ trích nhằm vào Bắc Kinh.

Các nước cho rằng Trung Quốc đang "tài trợ" cho "chiến dịch quân sự đặc biệt" của Nga ở Ukraine thông qua việc cung cấp thiết bị công dụng kép, tức vừa dùng cho dân sự vừa có thể dùng cho mục đích quân sự.

Tuy vậy, nỗ lực đánh vào "yết hầu kinh tế" của Nga đã gặp trở ngại và Đức bị cho là bên bất đồng. Berlin lo rằng việc mở rộng các biện pháp trừng phạt sẽ khiến công ty tại EU không thể bán hàng sang Nga.

Cụ thể, trước đây việc cấm xuất khẩu sang Nga chỉ áp dụng với vũ khí và sản phẩm công dụng kép, nhưng nay lại bao gồm khí thiên nhiên hóa lỏng. Đức cho rằng các doanh nghiệp nhỏ của nước này sẽ gặp rắc rối nếu lệnh trừng phạt lan sang các sản phẩm dân sự như hóa chất, cơ khí...

Sự cẩn trọng của Đức xuất phát từ thực tế rằng nước này đã xuất khẩu tổng giá trị hàng hóa 29 tỉ USD sang Nga theo số liệu năm 2022. Xuất khẩu của Đức sang Nga đã tăng trưởng ấn tượng ở mức 34,8% mỗi năm, từ chỗ 6,1 tỉ USD năm 2017 lên 29 tỉ USD năm 2022.

Tính tới trưa 15-6, giờ Việt Nam, Đức chưa chính thức lên tiếng về thông tin nêu trên. Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock không nói rõ liệu Berlin có ủng hộ lệnh trừng phạt khí thiên nhiên hóa lỏng của Nga hay không, thay vào đó chỉ kêu gọi trừng phạt bổ sung lên Belarus.

Nếu là thật, đây cũng là động thái dễ hiểu, phản ánh khó khăn của phương Tây trong việc gia tăng sức ép lên Nga. Họ gần như đang cạn kiệt công cụ trừng phạt kinh tế.

Cũng giống những gì được mô tả trong bản tin trên, trước đó Đức cũng là một trong những nước cẩn trọng nhất trước quyết định tăng thuế quan lên xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc.

EU và phương Tây nói chung cáo buộc Trung Quốc hỗ trợ quá mức để doanh nghiệp xe điện của nước này bán hàng giá rẻ, cạnh tranh thiếu công bằng.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp EU, đặc biệt nhóm công ty sản xuất xe hơi hàng đầu tại Đức, cho rằng tăng thuế quan là nước đi gây hại cho việc kinh doanh của họ.

Ngoài vấn đề chuỗi cung ứng, hoài nghi về hậu quả từ việc tăng thuế hay trừng phạt lên Trung Quốc còn bắt nguồn từ lo ngại trước khả năng bị đáp trả, cụ thể là kịch bản "chiến tranh thương mại" EU - Trung Quốc.

NHẬT ĐĂNG

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày