Trong một tháng diễn ra Euro 2024, Đức dự kiến đón gần 15 triệu người hâm mộ bóng đá đổ đến 10 sân vận động và hàng loạt địa điểm trên toàn quốc, trong đó có những cổ động viên quá khích, còn gọi là hooligan.
Để đảm bảo an ninh, Đức đã triển khai khoảng 22.000 cảnh sát túc trực hàng ngày trong suốt thời gian diễn ra giải đấu. Đây là đợt triển khai lực lượng lớn nhất kể từ khi cảnh sát liên bang Đức được thành lập năm 1951.
Cảnh sát Đức kiểm tra khán đài sân vận động Dusseldorf trước thềm Euro 2024. Ảnh: AP
Cảnh sát Đức cũng sẽ phối hợp với 16.000 tình nguyện viên cùng 350 cảnh sát quốc tế từ Europol, Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ.
600 chuyên gia an ninh sẽ làm việc tại Trung tâm Hợp tác Cảnh sát Quốc tế (IPCC) mới ở Neuss, tây nam Đức, nơi có 129 máy tính và màn hình rộng 40 m2 để giám sát tình hình an ninh của sự kiện.
Cảnh sát Anh cũng sẽ cắt cử các nhóm sĩ quan mặc thường phục trên sân vận động, nhằm kịp thời báo về IPCC các trường hợp người hâm mộ gây rối hoặc hooligan để đưa vào danh sách đen.
Quân đội Đức cũng sẽ tăng cường giám sát bầu trời và gửi mọi thông tin về IPCC, ngăn nguy cơ máy bay không người lái (UAV) tấn công. An ninh tại khu vực biên giới, ga tàu cũng được tăng cường.
"Chúng tôi đã sẵn sàng cho mọi mối nguy hiểm có thể lường trước, từ hooligan, khủng bố, tội phạm mạng. Mức độ triển khai lực lượng ở mọi cơ quan an ninh đều ở mức cao. Sự hiện diện của cảnh sát sẽ là rất rõ ràng trong những ngày tới", Bộ trưởng Nội vụ Đức Nancy Feaser nói.
Chuyên gia an ninh, cảnh sát làm việc tại IPCC ở Neuss, Đức, ngày 10/6. Ảnh: AP
Vết nhơ bạo lực vẫn ám ảnh các giải đấu bóng đá lớn ở châu Âu, với ký ức về vụ holligan Nga và Anh đánh nhau, gây bạo loạn ở Marseille trong kỳ Euro 2016 tại Pháp.
Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA) cũng xếp một số cặp đấu vào diện "rủi ro bạo lực cao". Để hạn chế nguy cơ, người hâm mộ đến sân vận động theo dõi những cặp đấu này chỉ được phép uống bia độ cồn thấp bên ngoài, mọi đồ uống có cồn đều bị cấm trên khán đài.
Trận Anh gặp Serbia ngày 17/6 được xếp vào diện này. Các cặp khác có các đội Ba Lan, Croatia, Romania, Hà Lan và CH Czech góp mặt, trong đó hooligan Ba Lan khét tiếng bạo lực. Giới chức lo ngại hooligan Ba Lan và Đức có thể tìm cách gây sự với nhau.
Bà Faeser cũng cho biết chiến sự Nga - Ukraine, xung đột Israel - Hamas cũng tạo áp lực nhất định lên hệ thống an ninh Đức suốt kỳ Euro 2024. Đội tuyển bóng đá Ukraine sẽ được ưu tiên tăng cường an ninh trong thời gian ở Đức.
10 thành phố Đức tổ chức các trận đấu trong khuôn khổ Euro 2024. Đồ họa: UEFA
Đức Trung (Theo Euro News, AA, Sky News, AP)
Nguồn: VNEXPRESS.NET
© 2024 | Thời báo ĐỨC