Nguy cơ thiếu khi đốt Nga vì xung đột Ukraine khiến người dân Đức gấp rút mua than để sưởi ấm cho mùa đông, bất chấp loại nhiên liệu này thải ra khí carbon và muội than độc hại. Engelke, 46 tuổi, người đứng đầu doanh nghiệp Hans Engelke có tuổi đời trăm năm ở Berlin, cho hay nhu cầu than tăng mạnh đem lại lợi nhuận lớn cho công ty gia đình của ông.
“Tôi còn không có thời gian để đi nghỉ mát”, ông nói.
Ông và đội ngũ nhân viên đang quay cuồng nhận đơn hàng, đóng gói và chuyển than cho khách, với lượng đơn đặt mua kín lịch tới tận tháng 10. Ông cũng bận rộn sắp hàng cho những người trực tiếp tới nhà kho lấy than.
Giữa ngày hè nóng nực tháng 8, Engelke luôn tay cân, đóng bao than, xếp lên giá chờ giao cho khách. Tại Berlin, khoảng 5.000-6.000 ngôi nhà vẫn sưởi ấm bằng than, chỉ chiếm một phần nhỏ trong số 1,9 triệu hộ gia đình ở thành phố.
Khách hàng trước đây của Engelk đa số là người cao tuổi, thường phụ thuộc hoàn toàn vào than và sống trong những căn nhà cũ kỹ chưa từng được cải tạo. Một số mua than vì thích ngọn lửa “ấm cúng” tỏa ra từng những chiếc bếp lò cổ trang trí công phu.
Nhưng năm nay, ông có rất nhiều khách hàng mới. “Nhiều người quen sưởi ấm bằng khí đốt, nhưng bây giờ đều muốn mua than”, ông nói, đề cập tới hiện tượng đang nổi lên khắp nước Đức khi mùa đông lạnh giá sắp đến.
Jean Blum là một trong số đó. Người đàn ông 55 tuổi, tóc bù xù, râu trắng rậm rạp, đang chất đầy những bao than nặng 25 kg lên xe kéo.
“Đây là lần đầu tiên sau nhiều năm tôi mua than”, ông nói.
Vì nhà ông trang bị hệ thống sưởi bằng khí đốt nên Blum thỉnh thoảng vẫn nhóm lò, nhưng chỉ dùng củi. Khi giá khí đốt tăng vọt và dự kiến tiếp tục tăng vào mùa thu năm nay, khi nguồn cung từ Nga ngày càng khan hiếm, Blum muốn đảm bảo gia đình ông được ấm áp trong mùa đông.
“Có hại cho sức khỏe còn hơn là chịu rét”, ông nói.
Giá than đã tăng hơn 30% trong mùa hè, nhưng vẫn rẻ hơn so với củi, vốn đã tăng giá hơn gấp đôi.
“Tôi tự hỏi liệu nước Đức có đủ khí đốt cho mọi người dùng trong mùa đông tới hay không”, ông nói, lưu ý Nga đã giảm đáng kể lượng khí đốt sang Đức sau khi các nước phương Tây áp đặt lệnh trừng phạt Moskva.
Than đá đang quay lại trong nhiều ngành nghề của nền kinh tế hàng đầu châu Âu. Chính phủ Đức đã tái khởi động các nhà máy nhiệt điện nhằm đáp ứng nhu cầu lớn của một số ngành công nghiệp. Tuy nhiên, Berlin khẳng định vẫn duy trì cam kết loại bỏ nguồn năng lượng gây ô nhiễm này vào năm 2030, cũng như ngăn chặn “sự hồi sinh của nhiên liệu hóa thạch, đặc biệt là than đá”, như Thủ tướng Olaf Scholz vừa tuyên bố.
Nhiều nhà cung cấp than ở Berlin đang cạn nguồn cung. “Chúng tôi đã làm việc hết công suất trong suốt mùa hè, với ba ca một ngày và 7 ngày một tuần”, Thorlaf Schirmer, phát ngôn viên của LEAG, một mỏ khai thác than ở Lusatia, nói.
Công ty chuyên cung cấp than bánh cho các cửa hàng. Schirmer cho hay sản lượng đã tăng 40% từ tháng 1, nhưng nhu cầu vẫn rất lớn và tình hình dự kiến tiếp tục căng thẳng ít nhất tới mùa đông năm nay.
Thị trường càng thêm áp lực khi một nhà máy sản xuất than có trụ sở tại thung lũng Rhnie ngừng sản xuất vào cuối năm, khiến nguồn cung suy giảm.
“Tôi bắt đầu sợ mùa đông rồi”, Engelke thừa nhận.
Hiện tại, khách hàng của Engelke không mấy sốt ruột khi được thông báo phải đợi ít nhất hai tháng mới được giao than. “Nhưng mọi thứ sẽ rất khác khi trời bắt đầu trở lạnh”, ông nói.
Nguồn: VnExpress
© 2024 | Thời báo ĐỨC