Dưới đây là một số sai lầm thường gặp khi sơ cứu cho người gặp nạn.
Theo các chuyên gia, trong mọi trường hợp, trước hết bạn cần:
- Chắc chắn nạn nhân không trong hoàn cảnh nguy hiểm
- Phải kiểm tra mạch, hơi thở.
Chú ý: Nếu không có dấu hiệu sinh tồn bao gồm mạch hay nhịp thở, hãy lập tức tiến hành ép tim, hà hơi thổi ngạt.
1. Chảy máu nặng
Lỗi thường gặp: Garo chi ngay lập tức.
Trước tiên cần ngăn dòng máu đang chảy bằng cách ấn vào đường đi động mạch ngay phía trên chỗ chảy máu. Sau đó băng lại bằng băng ép, nếu vết thương sâu, máu chảy nhiều thì đặt nhiều gạc sâu vào trong vết thương rồi mới băng ép .
Cách băng ép vết thương: Dùng một cuộn băng, gạc hay một chiếc khăn gấp nhỏ lại thành một cục đặt lên vết thương và băng ép lên trên để cầm máu, dùng băng cuộn băng chặt quanh chi cho đến khi không thấy máu thấm băng.
Garo chỉ dùng trong trường hợp khẩn cấp. Garo được thắt trên vết thương một chút, càng gần càng tốt .
Lưu ý: Garo cần được nới 30 phút mỗi lần trong 4-5 phút. Sau đó lại buộc lại nhưng cũng không quá 30 phút .
2. Chảy máu cam
Lỗi thường gặp: Ngửa đầu ra sau .
Trong trường hợp này, cho bệnh nhân ngồi xuống, đầu hơi cúi về phía trước để máu chảy và dùng tay ấn vào cánh mũi không quá 10 phút. Nếu máu chảy xuống miệng thì không được nuốt mà phải nhổ ra ngoài ngay lập tức .
Lưu ý: Không bịt mũi bằng bông băng. Biện pháp này chỉ cần thiết khi máu chảy không ngừng trong 15 phút, đồng thời trong trường hợp này hãy đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để theo dõi thêm.
3. Hạ thân nhiệt
Lỗi thường gặp: Ngâm nạn nhân trong nước nóng
Trước hết, đưa nạn nhân vào phòng ấm, cởi bỏ quần áo ẩm ướt. Cho nạn nhân mặc đồ khô ráo và đắp chăn ấm. Ngoài ra, cần cho nạn nhân đồ uống ngọt và ăn đồ nóng.
Lưu ý: Nhớ rằng không bao giờ cho nạn nhân dùng đồ uống có cồn vì cồn gây giãn mạch và làm mất nhiệt.
4. Ngừng tim
Lỗi thường gặp: Xử trí giống nhau cho mọi lứa tuổi.
Ép tim ngoài lồng ngực đối với người lớn: Hai tay đan vào nhau, đặt lòng bàn tay phía dưới lên ngực nạn nhân (vị trí ở nửa dưới xương ức) ấn nhanh, mạnh. Thực hiện tương tự đối với thiếu niên nhưng chỉ cần dùng một bàn tay. Còn đối với trẻ em thì chỉ nên ấn bằng 2 ngón tay .
Lưu ý: Chỉ ép tim khi nạn nhân nằm trên mặt phẳng cứng .
5. Bỏng
Lỗi thường gặp: Cởi bỏ quần áo gây cọ xát vùng da bỏng.
Để giúp người bị bỏng, bạn để họ nằm xuống và dùng quần áo không bắt lửa để dập lửa. Dùng kéo cắt quần áo, không cởi quần áo vì sẽ gây cọ xát làm tổn thương thêm vùng da bỏng.
Nếu chỉ bỏng nhẹ, không bị tổn thương nhiều, bạn có thể ngâm vùng da bỏng vào nước mát. Mỗi lần 20 phút, rồi rút lên ít phút, có thể ngâm như thế đến hai tiếng.
Với bỏng nặng, hãy dùng vải sạch phủ lên vết bỏng rồi chuyển đến cơ sở y tế.
Lưu ý: Nếu bỏng nặng, bạn nên cho nạn nhân uống một thêm nước muối hoặc nước khoáng để bổ sung lượng nước, muối đã mất cho nạn nhân.
6. Tắc nghẽn đường thở
Lỗi thường gặp: Cố gắng làm thủ thuật Heimlich trong khi nạn nhân bất tỉnh.
Thủ thuật Heimlich là phương pháp tạo lực mạnh vào vùng bụng làm cho cơ hoành đẩy mạnh lên khiến cho dị vật thoát ra khỏi đường thở của nạn nhân, giúp cho họ thở lại được.
Tuy nhiên nếu một người bị bất tỉnh do hóc dị vật, hãy để họ nằm ngửa, bạn ngồi lên hông họ, đặt tay lên hai mạn sườn và ấn xuống. Sau đó cho nghiêng đầu họ sang một bên và dùng ngón tay đã bọc vải sạch để lấy dị vật từ miệng nạn nhân .
Nếu là trẻ em, đặt trẻ nằm sấp trên cánh tay trái của bạn (hoặc tay phải nếu bạn thuận tay trái) và vỗ mạnh 3 lần vào lưng. Sau đó nắm lấy chân trẻ, dốc ngược trẻ xuống.
Lưu ý: Khi sử dụng thủ thuật Heimlich cho phụ nữ có thai, bạn cần ấn ở vị trí cao hơn trên xương sườn
7. Trật khớp
Lỗi thường gặp: Cố gắng tự nắn chỉnh khớp.
Thực tế, chúng ta chỉ có thể biết chính xác tình trạng trật khớp thông qua hình ảnh X- quang. Vì vậy điều duy nhất bạn có thể làm là cố định phần khớp trật, đừng cố gắng bẻ cong hay kéo thẳng khớp. Bạn có thể dùng nẹp hoặc bất cứ vật gì phẳng, mỏng buộc cố định với các khớp gần đó, nên băng cố định theo chiều dài nẹp, để lộ phần bị thương. Nếu không có nẹp phù hợp thì buộc cố định tay bị thương vào người hoặc buộc cố định chân bị thương với chân còn lại .
Lưu ý: Không buộc quá chặt vì có thể gây cản trở tuần hoàn máu .
8. Rắn cắn
Lỗi thường gặp: Hút nọc rắn.
Các chuyên gia cho rằng hút nọc rắn trên thực tế không đem lại lợi ích. Bên cạnh đó trích, rạch, trâm, chọc tại vùng vết cắn còn có thể gây hại thêm cho bệnh nhân (tổn thương thêm mạch máu, dây thần kinh… nhiễm trùng nặng thêm).
Nếu bị rắn cắn, trước tiên đặt nạn nhân nằm xuống và cố định chi để ngăn chất độc lan nhanh. Nếu bị cắn ở chân thì buộc chặt với chân còn lại, nếu là tay thì buộc cố định vào cơ thể. Nếu nạn nhân bất tỉnh, tiến hành hồi sức tim phổi ngay.
Băng ép: băng ép bất động để làm chậm sự xuất hiện triệu chứng liệt. Dùng các băng chun giãn, băng vải hoặc tự tạo từ khăn, quần áo. Băng tương đối chặt nhưng không quá mức (còn sờ thấy động mạch đập). Bắt đầu băng từ ngón chân, tay đến hết toàn bộ chân, tay bị cắn
Lưu ý: Không garo trong trường hợp này vì nguy cơ cắt cụt chi cao. Ngoài ra khi đến bệnh viện, bác sĩ tháo băng garo ra thì chất độc sẽ cùng lúc ùa về tim khiến bệnh nhân bị sốc, đe dọa tính mạng. Khi bị rắn lục cắn không được băng ép.
9. Đau bụng
Lỗi thường gặp: Dùng thuốc giảm đau hoặc giảm co.
Khi đau bụng đến mức không chịu được, nhiều người dùng thuốc giảm đau và cố gắng chịu đựng. Trên thực tế sử dụng thuốc giảm đau lúc này có thể gián tiếp uy hiếp tính mạng người bệnh. Vì nếu không còn cảm giác đau, người bệnh và cả bác sĩ khó phát hiện được những bệnh nguy hiểm chết người như viêm ruột thừa cấp, tắc ruột hoặc thủng tạng rỗng.
Lưu ý: Nếu bạn cảm thấy đau bụng dữ dội hãy gọi bác sỹ ngay lập tức. Chỉ dùng thuốc giảm đau theo chỉ định của bác sĩ, sau khi đã loại trừ các cấp cứu vùng bụng.
Hãy nhớ bạn luôn cần gọi nhân viên y tế hoặc người giúp trong các trường hợp khẩn cấp. Ngoài ra, bạn nên theo học các khóa học về sơ cứu để chủ động trong các trường hợp cần sự giúp đỡ.
Theo Brightside
Liên Minh
© 2024 | Thời báo ĐỨC