Theo nhận định của chuyên gia, siêu bão Milton có cấu trúc đều, mịn nên mạnh, duy trì cường độ lâu - Ảnh: NASA
Trong vòng hơn 1 tháng, ba cơn siêu bão xuất hiện trên các đại dương. Với sức tàn phá khủng khiếp và đạt cấp độ cao nhất của các thang đo bão. Như "không có gì cản trở", các cơn bão này mạnh lên nhanh chóng.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, bà Lê Thị Xuân Lan - nguyên phó trưởng phòng dự báo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ - có những phân tích về điều kiện khí tượng, các yếu tố biến đổi khí hậu khiến siêu bão ngày càng nhiều.
"Chúng ta có thể thấy rõ biến đổi khí hậu làm Trái đất ấm hơn. Nhiệt độ biển tăng thêm là điều kiện lý tưởng để hình thành bão mạnh và siêu bão.
Điều kiện để một cơn bão hình thành là nhiệt độ biển từ 27 độ C trở lên. Nhiệt độ càng cao thì năng lượng nuôi bão càng nhiều. Trên các đại dương thời điểm đó lại không có vật cản, không có không khí lạnh. Các cơn bão cứ vậy 'ngấu nghiến' năng lượng rồi mạnh lên nhanh chóng", bà Lan nói.
Theo nhận định của bà Lan, với diễn biến này siêu bão sẽ còn xuất hiện nhiều. Có thể không phải trong năm nay, nhưng các năm tới nữa tần suất sẽ dày hơn.
Đánh giá về các cơn siêu bão gần đây, bà Lan cho biết cấu trúc bão tốt, đối xứng, mắt bão rõ. Với những yếu tố trên, bão trở nên rất mạnh, giữ cường độ trong thời gian dài không bị suy yếu.
Vì sao ngày càng xuất hiện nhiều siêu bão mạnh thế kỷ?
Thái Bình Dương có thể hình thành siêu bão vào cuối tháng 10
Theo bà Lan, dự báo hạn dài của các mô hình khí tượng cho thấy có thể ngoài khơi Philippines trong khoảng ngày 23 có thể hình thành một cơn bão.
Dự báo của Mỹ cho thấy đến khoảng ngày 26-10 bão này có thể mạnh thành siêu bão.
Trong khi đó ở Đại Tây Dương, Trung tâm Dự báo bão quốc gia Mỹ (NHC) cho biết bão Leslie hiện đã mạnh lên thành cơn bão cấp 2 (theo thang đo 5 cấp của Mỹ) và có thể tăng cường độ thành siêu bão.
LÊ PHAN
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online
© 2024 | Thời báo ĐỨC