'Học sinh Việt không cần dùng điện thoại trong lớp'

'Học sinh dùng điện thoại chủ yếu để chơi game, xem phim, đọc truyện, nhắn tin với bạn bè, quay cóp... chứ chẳng mấy ai chụp ảnh bài giảng'.

"Tôi ủng hộ cấm học sinh dùng điện thoại ở trường và mong rằng Bộ Giáo dục & Đào tạo sớm ban hành quy định này. Theo đó, khi đến trường, các học sinh hoặc sẽ bị thu điện thoại, hoặc phải để ở ngăn tủ của mình, đến cuối giờ mới được lấy lại. Trong giờ học, ngoài giáo viên, cần có cán bộ giám thị tuần tra bên ngoài các lớp học để giám sát việc học sinh lén dùng điện thoại.

Ai cũng biết, học sinh dùng điện thoại chủ yếu để chơi game, xem phim, đọc truyện, nhắn tin với bạn bè trên mạng... gây ảnh hưởng nặng nề đến việc học tập. Chưa kể, thói quen sử dụng công nghệ, tra tìm đáp án nhanh sẽ dẫn đến tình trạng lười học, không nhớ bài, lười tư duy, ngại suy nghĩ... Suốt ngày dán mắt vào màn hình điện thoại, các em sẽ không còn muốn giao tiếp với bạn bè và thầy cô nữa.

Chưa kể, nhìn điện thoại quá nhiều sẽ rất nhanh cận thị, hoa mắt, chóng mặt, mắc bệnh lý về mắt và hệ thần kinh... Vậy nên, cấm học sinh dùng điện thoại ở trường là hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên, các nhà trường cũng cần có kinh phí để trang bị các tủ đựng đồ dùng cho các em và được đặt tại lớp hoặc sảnh hành lang, như thế sẽ thuận tiện cho các em để tư trang của mình, giống như ở các nước phát triển".

1 Hoc Sinh Viet Khong Can Dung Dien Thoai Trong Lop

Đó là quan điểm của độc giả Lê Hoàng xung quanh câu chuyện "Siết dùng điện thoại với học sinh". Gần đây, ngày càng nhiều trường siết chặt vấn đề này. Cuối tuần trước, Hà Nội khuyến cáo trường học toàn thành phố quản lý điện thoại của học sinh trước tiết học đầu tiên, chỉ trả lại sau giờ tan học. Các giáo viên nói nhận thấy sự tích cực, học sinh tập trung hơn vào học tập, xuống sân chơi và giao lưu nhiều hơn, trong khi trước đây hầu hết "dán mắt" vào màn hình điện thoại.

Ủng hộ quy định cấm học sinh dùng điện thoại ở trường, bạn đọc Nguyen Thi Van chia sẻ: "Tôi luôn quán triệt với con rằng học hết cấp ba vẫn chưa được sử dụng điện thoại riêng, nhất là smartphone. Việc học trên lớp hiện nay ở ta chưa có chương trình nào cần kết nối, lấy tài liệu tức thì, nên việc dùng điện thoại thông minh cho việc học ở trường chỉ mất thời gian. Tất cả tài liệu, trao đổi học tập đều là sau giờ học, nên con hoàn toàn có thể sử dụng máy tính ở nhà dưới sự giám sát của cha mẹ là được".

Nói về những hệ lụy khi để học sinh tự ý sử dụng điện thoại ở trường, độc giả Noi Thangcho rằng: "Hãy tưởng tượng nếu nhà trường cho phép học sinh sử dụng điện thoại thì sẽ có trường hợp các em ngồi lỳ một chỗ từ 7h sáng tới 11h. Kể cả giờ ra chơi học sinh cũng không rời khỏi vị trí, mà chỉ lấy điện thoại ra sử dụng. Vậy sau này sức khỏe các em sẽ như thế nào? Nên tôi ủng hộ chủ trương cấm học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học, trừ trường hợp thật cần thiết và phải được giáo viên cho phép, quản lý".

"Ai từng đi học cũng thừa biết chiếc điện thoại gần như không bao giờ phục vụ việc học ở trường. Học sinh sẽ chỉ nhắn tin tám chuyện, chụp ảnh đăng mạng xã hội, hô hào tụ tập, tìm phao quay cóp... là chính, chứ chẳng ai chụp ảnh bài giảng. Tôi cho rằng, mỗi lớp nên trang bị một tủ đựng đồ để trên bàn giáo viên. Khi vào giờ học, toàn bộ điện thoại của học sinh sẽ được thu lại và cất vào tủ có khóa do giáo viên quản lý. Nếu cần liên lạc với người thân, giáo viên sẽ mở khóa tủ lấy điện thoại cho em đó, tôi nghĩ cũng chẳng tốn quá 10 giây", bạn đọc Bình Luận nói thêm.

Trong khi đó, gợi ý giải pháp tăng cường để giúp học sinh bớt phụ thuộc vào điện thoại di động, độc giả Higokei nhấn mạnh: "Hồi cấp ba, tôi học ở trường bé, thiếu sân chơi, chơi bóng rổ còn sợ va phải các bạn xung quanh. Thế nên, giờ ra chơi với chúng tôi rất chán, chỉ biết loanh quanh tám chuyện thôi chứ không vận động gì được. Với điều kiện như thế thì học sinh chọn ngồi một chỗ bấm điện thoại cũng là điều dễ hiểu. Bên cạnh việc cấm học sinh sử dụng điện thoại ở trường, nếu được thì theo tôi các trường nên tìm cách mở rộng không gian sân trường sẽ tốt hơn".

Lê Phạm


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày