Lối về thân quen với cây bàng lá đỏ
Bàng khoe sắc trước các dãy nhà tập thể thuộc khu ngoại giao, doanh trại quân đội dọc phố Quán Thánh.
Những tuyến phố trồng nhiều bàng nhất chủ yếu tập trung ở khu phố cổ: Cửa Nam, Hàng Bông, Phùng Hưng, Hàng Chiếu, Hàng Mã... hay các tuyến phố lân cận như Tràng Thi, Nguyễn Thái Học...
Bàng được trồng ở rất nhiều địa phương trên cả nước nhưng không ở đâu mà được người dân coi là biểu tượng của mùa đông như ở Hà Nội. Bức tranh Hà Nội mùa này, đẹp như lời bài hát của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: "cây bàng lá đỏ, nằm kề bên nhau, phố xưa nhà cổ, mái ngói thâm nâu..."
Cây bàng từ lâu đã gắn bó rất mật thiết với đời sống người Hà Nội. Theo quy hoạch từ thời Pháp thuộc, bàng, xà cừ và sấu được trồng và tạo cảnh quan chính cho hệ thống phố cổ, khu phố biệt thự Pháp quận Hoàn Kiếm, cũng như khu hành chính quận Ba Đình.
Nếu như mùa hè là mùa của cây sấu, xà cừ thì mùa đông Hà Nội gắn liền với hình ảnh cây bàng lá đỏ.
Bàng "thay áo" thường vào thời điểm cuối tháng 12, đầu tháng 1. Từ sắc xanh chuyển vàng, mới ngày nào chỉ vài ba chiếc lá, bỗng đột ngột cả tán cả cây ngả vàng, rồi sang đỏ rực, cuối cùng đỏ sẫm trước khi trút những chiếc lá cuối cùng xuống phố. Đó cũng là dấu hiệu chuẩn bị hết mùa đông lạnh giá, chuẩn bị Tết đến xuân về, cây cối đâm chồi nảy lộc.
Mùa "lá đỏ" cũng là một trong những thời khắc đẹp nhất năm của Hà Nội. Đặc biệt giữa cái lạnh cắt da cắt thịt, giữa mùa đông xám xịt của miền bắc, sắc đỏ rực rỡ của lá bàng như khiến khung cảnh rực rỡ hơn, ấm áp hơn với những người ngắm nhìn nó.
Trong đó, Tràng Thi là phố có nhiều cây bàng cổ thụ lâu năm nhất, tập trung gần khu vực Bệnh viện Việt Đức, thân cao với tán bàng sum suê phủ kín cả tuyến phố.
Một cây bàng "khổng lồ" khác ở ngã tư Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt, đối diện tòa nhà Pacific.
Lá trút thành thảm lá vàng - đỏ trên vỉa hè ngã sáu Cửa Nam.
Những "bức rèm" lá đỏ đầu phố Khâm Thiên, nhìn từ xa như những đốm lửa thắp trên nền trời mùa đông.
Những ai yêu thích tranh của họa sĩ Bùi Xuân Phái vẽ về Hà Nội, chắc hẳn sẽ rất quen thuộc với những khung cảnh cây bàng bên hông nhà cổ, những căn biệt thự Pháp sơn vàng.
Những ngôi nhà cổ như thế hiện cũng không còn nhiều nữa, hình ảnh được chụp tại đầu phố Hàng Chai và phố Hàng Chiếu.
Nếu như Tràng Thi có nhiều gốc bàng cổ thụ lâu năm thì tuyến phố một chiều Phùng Hưng lại tập trung nhiều bàng nhất khu phố cổ, trải dài từ đầu phố đến cuối phố, nhiều đến mức bao phủ không chỉ ban công, mà còn trùm lên hệ thống dây điện chằng chịt, đèn đường, thậm chí phủ cả bóng lên tuyến đường sắt dọc phố về ga Long Biên.
"Ta còn em cây bàng mồ côi mùa đông. Ta còn em nóc phố mồ côi mùa đông..."
Nguyễn Chí Nam
Nguồn: nhandan.com.vn
© 2024 | Thời báo ĐỨC