Trí tuệ cổ nhân: Người nhẫn nhịn mới có thể làm việc lớn

Trong “Nhẫn Kinh” viết: “Người có thể làm Tể tướng là dựa vào tài năng của họ, người ấy có thể làm đại thần ở chốn triều đình là bởi vì có khí lượng to lớn.” Đây là nói về khả năng nhẫn nhịn và bao dung của họ.

1 Tri Tue Co Nhan Nguoi Nhan Nhin Moi Co The Lam Viec Lon

(Tranh minh họa qua Aboluowang.com)

Truyện cổ Phật gia có một đoạn đối đáp thế này: “Trong thế gian có người phỉ báng ta, nhục mạ ta, chê cười ta, coi thường ta, chà đạp ta, vậy thì ta phải đối xử thế nào?” “Ta chỉ cần nhẫn hắn, nhịn hắn, nhường hắn, tránh hắn, chịu đựng hắn, đừng để ý đến hắn, chờ mấy năm sau hãy gặp lại hắn.”

Sách “Thượng Thư” ghi lại lời Chu Thành Vương bố cáo trước quần thần: “Nhất định phải nhẫn mới có thể thành công. Khoan dung thì đức sẽ lớn”. Người có tâm nhẫn nại thì mới có thể làm thành được mọi việc, ấy là bởi vì đạo đức của họ cao thượng.

Trong “Lưu Hầu luận”, Tô Thức cho rằng: Thời xưa, người được xưng là dũng sĩ nhất định có tiết tháo hơn người, có thể chịu đựng được cả những việc mà người thường không thể chịu đựng được. Người hữu dũng vô mưu khi bị vũ nhục, nhất định sẽ rút kiếm, đây không thể được gọi là dũng sĩ. Dũng sĩ thực sự trong thiên hạ, khi gặp những sự tình bất ngờ đều không bị kinh hoảng, khi vô cớ bị người khác vũ nhục cũng thấy bình thường, không phẫn nộ. Đây thường là bởi vì họ có hoài bão vô cùng lớn, chí hướng phi thường cao xa.

Trong “Nhẫn Kinh” cũng viết: “Người xưa có nói, người nào có thể dùng mũi hít vào ba đấu giấm thì có thể làm Tể tướng”, đây là nói đến khí lượng của người làm việc lớn. Tể tướng thời Hậu Chu là Phạm Chất, sau được phong làm Thái phó thời Tống Thái Tổ, cũng nói hệt như vậy.

Nhẫn nhịn khiêm nhượng luôn là mỹ đức truyền thống mà cả Nho giáo, Đạo giáo và Phật giáo đều hàm chứa và đề cao. Từ xưa đến nay, phàm là anh hùng hào kiệt hay chí sĩ sáng chói sử sách đều có khả năng nhẫn được cả những việc mà người đời khó nhẫn.

Nhẫn nhịn mà ủy khuất hay sôi sục trong lòng, tìm cớ trả thù, thì đó chỉ là cái “nhẫn” của phàm phu tục tử, chỉ là vì sợ mất lợi ích, sợ mất danh tiếng mà nhẫn. Nhẫn nhịn chân chính là bao dung độ lượng, không so đo, căn bản là không giận dữ hay phẫn nộ, đó là cái “nhẫn” của người quân tử, của bậc thánh nhân.

Trong lịch sử cũng có khá nhiều ghi chép về sự nhẫn nhịn bao dung của các vị đại thần.

Bính Cát thời Tây Hán, tự là Thiếu Khanh, người nước Lỗ. Thời Hán Tuyên Đế, ông được phong làm Bác Dương Hầu, sau lại được phong làm Thừa tướng. Ông là người có tính tình khoan dung nhân hậu.

Bính Cát có một người đánh xe rất thích uống rượu, từng có lần theo Bính Cát ra ngoài, sau khi uống rượu say đã nôn trên xe của Thừa tướng. Người dưới nói với Bính Cát rằng phải phạt tội người đánh xe thật nặng và đuổi anh ta.

Bính Cát nghe xong, nói rằng: “Vì say rượu mà đuổi anh ta, anh ta biết tìm nơi nào dung thân? Anh ta chẳng qua chỉ làm bẩn xe của Thừa tướng thôi.”

Người đánh xe này là người ở vùng biên cảnh, rất biết tình hình quận huyện nơi biên cương. Anh ta bấy giờ ra ngoài, gặp đúng lúc thấy một dịch sứ. Người đánh xe liền đuổi theo dò hỏi thông tin, sau đó đem tình hình nói cho Bính Cát biết.

Không ngờ ít lâu sau, Hán Đế triệu kiến đại thần, hỏi về tình hình dân tộc thiểu số nơi biên cương. Bính Cát trả lời tường tận, các đại thần khác trả lời không được, bị Hoàng đế trách mắng. Kỳ thực tình hình mà Bính Cát biết được đều là nhờ người đánh xe. Cho nên Bính Cát cảm thán rằng: “Không có người nào mà không thể dung nạp, mỗi người đều có sở trường của mình. Nếu ta không nghe những lời của người đánh xe thì làm sao có thể được Hoàng đế khen thưởng.”

Trương An Thế thời Tây Hán, tự là Tử Nhụ, con của Trương Thang, dựa vào công trạng của cha nên được phong là Quang Lộc Huân. Một lần, có một người đàn ông sau khi uống rượu say đã tiểu tiện trên điện. Người dưới muốn phạt anh ta, nhưng Trương An Thế lại nói rằng: “Làm sao có thể bắt một người uống nước mà không cho thải ra ngoài? Làm sao có thể vì một sai lầm nhỏ mà xử phạt họ.”

Trong cuộc đời của mình, Trương An Thế luôn dùng tấm lòng bao dung mà tha thứ cho lỗi lầm của người khác. Thời Hán Chiêu Đế, Trương An Thế giữ chức Hữu tướng quân, đến thời Tuyên Đế, ông cũng được phong chức Đại tư mã Xa kị tướng quân.

Người có chí làm việc lớn thì nên rèn luyện đức tính nhẫn nhịn, nếu có thể thường xuyên tu dưỡng thì sẽ sản sinh ra lòng bao dung. Đây chính là hàm nghĩa của câu nói: “Bụng Tể tướng có thể chèo thuyền”, người có tấm lòng rộng lượng mới có thể giúp vua điều hòa việc triều chính.

Theo Vision Times

An Hòa biên tập


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày