Sai lầm của các bậc cha mẹ khi giao trọn trách nhiệm giáo dục con cái cho người khác

Trong một gia đình ở Mỹ đã từng xảy ra câu chuyện như sau: người cha vì bận công việc tối ngày mà không thể chăm lo cho cậu con trai bé bỏng. Do vậy, cậu con trai trong một thời gian dài không có sự quan tâm của cha.

Một buổi tối nọ, cậu con trai 5 tuổi như thường lệ đứng trước cửa nhà đợi cha đi làm về. Khi nhìn thấy cha về, cậu bé reo lên, vui mừng chạy ra ôm chầm lấy cha.

Sau khi được cha bế vào nhà, cậu bé hỏi cha: “Cha ơi, một giờ cha làm được bao nhiêu tiền?”. Người cha vì áp lực công việc lớn, cơ thể và tâm trạng hết sức mệt mỏi, hờ hững trả lời con: “Làm được bao nhiêu tiền không phải việc của con, con còn nhỏ hỏi chuyện đó làm gì?”

Nhưng cậu con trai vẫn kiên quyết: “Con muốn biết mà, cha nói đi”.

Người cha nói: “Mỗi giờ cha kiếm được 20 USD”.

Cậu con trai nói: “Cha có thể cho con mượn 10 USD được không?”

Người cha nghe thấy vậy, tỏ vẻ không vui nói: “Con còn nhỏ mượn tiền làm gì, mau lên nhà đi ngủ!”

Đứa trẻ buồn bã một mình trở về phòng ngủ của mình.

Sau khi buông mình xuống ghế nghỉ ngơi, trấn tĩnh lại, người cha cảm thấy thái độ vừa rồi của mình không được nhẹ nhàng, có phần hơi quá, vậy là liền lấy 10 USD từ trong túi áo ra, lên phòng của con, hỏi: “Con trai, con ngủ rồi à?”

Đứa bé thấy bố lên, vui vẻ bật dậy. Người cha nói: “Cầm lấy, cha cho con 10 USD”.

Đứa con nhận lấy 10 USD, liền lấy thêm từ dưới gối một tờ 10 USD rất cũ, nhàu nát, đó chính là số tiền mà cậu bé dành dụm được. Cậu xếp hai tờ tiền vào nhau, tổng cộng là 20 USD, đưa cho cha và nói: “Con có thể dùng 20 USD này mua một tiếng làm việc của cha được không? Ngày mai cha về sớm một tiếng để ăn cơm cùng con cha nhé!”

Lời của con vừa dứt, nước mắt của người cha cũng cứ thế lăn dài trên má…

Từ câu chuyện trên, chúng ta có thể thấy, đứa con rất cần được cùng cha mẹ học tập, vui chơi, cùng tận hưởng niềm vui.

132 1 Sai Lam Cua Cac Bac Cha Me Khi Giao Tron Trach Nhiem Giao Duc Con Cai Cho Nguoi KhacKhông sự chăm lo nào quý giá bằng sự chăm lo của cha mẹ dành cho con. (Ảnh: excite.co)

Một số cha mẹ dồn hết tâm sức của mình cho sự nghiệp, sau khi sinh con không được bao lâu, liền giao con cho ông bà hoặc người giúp việc nuôi dưỡng. Còn cha mẹ thì bù đắp sự thiếu thốn tình cảm của con bằng các món quà. Làm như vậy không tốt cho sự phát triển tâm lý của con. Thứ con trẻ cần là tình cảm, sự quan tâm, sự giao lưu trò chuyện. Đây mới là thứ tài sản quý giá mà cha mẹ dành cho con.

Trẻ nhỏ cần có sự yêu thương của cha mẹ, tình cảm này xuất phát từ trái tim, từ quan hệ máu mủ và không ai có thể thay thế được. Nếu như cha mẹ dành thời gian ở bên con, dành cho con tình yêu vô điều kiện, nhận được sự cổ vũ và biểu dương từ cha mẹ, con sẽ cảm thấy được an toàn, điều này rất có lợi cho việc bồi dưỡng nhân cách của trẻ nhỏ.

Cha mẹ không nên giao phó trách nhiệm giáo dục trẻ cho người khác. Cho dù ông bà hoặc những người xung quanh có dành cho trẻ sự quan tâm và bảo vệ tốt thì tình cảm đó vẫn không thể thay thế được tình yêu thương của cha mẹ dành cho con.

Một số cha mẹ còn cho rằng, sinh con là việc của cha mẹ, còn việc giáo dục trẻ là việc của thầy cô giáo ở trường. Vì vậy, họ tìm mọi cách cho con vào được trường nổi tiếng. Như thế hoàn toàn không nên. Giáo dục con phải là trách nhiệm chung của gia đình và nhà trường, do đó cha mẹ cần thường xuyên liên lạc với nhà trường, phối hợp cùng với nhà trường để giáo dục con.

Cha mẹ cần làm tốt trách nhiệm của mình bằng cách:

Lắng nghe con nhiều hơn

Ngoài thời gian làm việc, cha mẹ cần sắp xếp thời gian cố định để ở bên con. Trong khi trò chuyện, hãy lắng nghe vấn đề của con rồi đưa ra phương án cùng con giải quyết.

Không áp dụng hoàn toàn phương pháp dạy con của người khác

Mỗi đứa trẻ là một cá thể riêng biệt, không nên lấy phương pháp giáo dục của ai đó áp dụng với con mình. Cha mẹ cần linh hoạt căn cứ theo đặc điểm tính cách cũng như tiềm năng của con mà đưa ra cách giáo dục con phù hợp.

132 2 Sai Lam Cua Cac Bac Cha Me Khi Giao Tron Trach Nhiem Giao Duc Con Cai Cho Nguoi Khac

Mỗi đứa trẻ đều rất khác biệt, dạy con cũng là cả một quá trình công phu của cha mẹ. (Ảnh: excite.co)

Biểu dương con khi cần thiết

Khi con bạn được cha mẹ khen ngợi chúng sẽ có được cảm giác vui vẻ của sự thành công. Tuy nhiên, biểu dương cũng cần xem xét kỹ lưỡng vì nếu không con dễ tự mãn và không còn ý chí để cố gắng hơn.

Bồi dưỡng khả năng giao tiếp cho con

Để con biết cách giải quyết các vấn đề xảy ra trong cuộc sống, cha mẹ cần dạy con biết cách dùng các từ ngữ văn minh, lịch sự, không nên tỏ thái độ bất cần hoặc những lời mắng nhiếc để đạt được mục đích.

Cha mẹ chính là ngọn đèn chỉ đường trong quá trình trưởng thành của con và cũng là những người đầu tiên giúp con bước ra ngoài xã hội. Mỗi đứa trẻ đều muốn gắn bó với cha mẹ suốt thời thơ ấu. Vị trí của cha mẹ đối với con vô cùng quan trọng không ai có thể thay thế được, nếu con cảm nhận được sự ấm áp đó mỗi ngày, con sẽ lớn lên tự tin và hạnh phúc.

Hồng Ân


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày