Thân phận “bèo bọt” của những người Việt xa xứ

Chia tay vĩnh viễn với một số những người anh em đồng hương khi tuổi đời còn khá trẻ. Hàng tuần cứ liên tục đọc được những dòng Cáo phó mà không khỏi suy nghĩ và ưu tư về số phận của những người Việt bên đây.

Người nhiều tuổi thì cũng chỉ ngoài sáu mươi một chút, người ít tuổi thì mới ngoài bốn chục, có trường hợp cá biệt còn trẻ hơn như thế. Hàng tuần cứ liên tục đọc được những dòng Cáo phó mà không khỏi suy nghĩ và ưu tư về số phận của những người Việt bên đây.

Sống trên một đất nước có nền kinh tế thuộc những nước mạnh nhất trên thế giới với ngành y tế phát triển vượt bực, có đầy đủ máy móc hiện đại, với cơ sở vật chất tuyệt hảo…vậy mà các anh, chị đồng hương của mình vẫn phải lìa trần khá sớm để đi về phía bên kia thế giới trong sự tiếc nuối, niềm đau khôn nguôi của người thân, để lại phía sau lưng bao dự định còn dang dở…

Tôi vẫn thầm hỏi-vì đâu? Tự hỏi và rồi lại tự phỏng đoán, tự tìm câu trả lời vì mình có ở gần họ, có sống trong hoàn cảnh của họ đâu mà biết được câu trả lời đích xác! Phải chăng đó là hệ quả của cả quãng đời tuổi trẻ lao lực, vật lộn với cuộc sống, dốc hết sức mình để kiếm tiền lo cho bản thân, cho gia đình bên đây, cho gia đình bên Việt Nam?

132 1 Than Phan Beo Bot Cua Nhung Nguoi Viet Xa Xu

Đó là hệ quả của bao ngày dậy sớm, thức khuya, dầm mình trong sương gió, tuyết lạnh để lấy hoa, lấy trái cây, quần áo…về kinh doanh lấy công làm lãi? Là hệ quả của bao nhiêu ngày “úp mặt” vào chảo dầu, không nhìn thấy ánh sáng mặt trời? Đó là hệ quả của sự mất cân đối trong sinh hoạt: chỉ có làm mà không nghỉ ngơi, giải trí…? Và còn rất rất nhiều sự vất vả, gian nan của nhiều ngành nghề khác nữa mà tôi không thể kể hết ra được.

Một điều quan trọng hơn cả-vì họ đều tự kinh doanh nên rất tham công, tiếc việc, nhiều khi đau ốm không dám đi khám bệnh mà chỉ chạy ra hiệu thuốc mua thuốc về tự uống. Bởi thế chuyện đi khám tổng thể, đi khám định kỳ…với họ có lẽ càng khó thực hiện. Khó thực hiện không phải vì chi phí phải bỏ ra (tất cả đều nằm trong tiêu chuẩn của bảo hiểm y tế mà ai cũng phải đóng), khó thực hiện ở đây vì họ sợ “mất ngày, mất buổi”, sợ tốn thời gian, sợ ảnh hưởng đến công việc kinh doanh, sợ ảnh hưởng đến doanh thu…

Và có lẽ chính vì thế mà họ phải trả những cái giá khá đắt-khi bệnh tật tích tụ lâu ngày trong cơ thể mà không được điều trị kịp thời, chỉ tới lúc căn bệnh bùng phát ra, không chống cự được nữa thì họ mới đi bác sỹ-lúc đó thì hầu như mọi sự can thiệp của y tế đều đã quá muộn, kể cả với một nền y tế tân tiến. Càng nghĩ, càng thấy xót xa và thương cảm cho các đồng hương của tôi! Cả cuộc đời vất vả, gian lao, tới lúc đáng ra phải được hưởng thụ thì lại không còn cơ hội nữa! Buồn lắm thay!

Tôi không dám khuyên can ai điều gì vì mỗi người đều có một cách nghĩ riêng, một lối sống riêng nhưng thiết nghĩ ai cũng chỉ có 1 cuộc đời nên chúng ta cần quý trọng nó. Hãy cố gắng cân bằng mọi việc trong cuộc sống, hãy biết “điểm dừng” vì tiền thì biết bao nhiêu cho đủ, khi chết rồi cũng có mang theo được đâu! Hãy chăm lo cho sức khỏe của mình vì mình mà còn không thương thân mình thì chẳng thương ai được.

Hãy cố gắng tự tạo cho mình một cuộc sống thanh thản, thoải mái nhất (điều đó không hề cần nhiều tiền, không phải lao lực cày mười mấy tiếng một ngày) để còn có cơ hội tận hưởng cuộc sống này. Đừng để phải ra đi trong sự hối hận! Cuộc đời này còn có rất nhiều điều tốt đẹp, còn có nhiều niềm vui đang chờ đón chúng ta.

Kim Anh

 


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày