Nhà văn Đức viết về cuộc sống của người Việt đi xuất khẩu lao động

Tác giả Karin Kalisa kể câu chuyện về những thế hệ người Việt gắn bó với nước Đức trước và sau khi bức tường Berlin sụp đổ.

Chiều 5/5, trong khuôn khổ Những ngày văn học châu Âu, cuốn Con rối tha hương do Lê Quang chuyển ngữ được ra mắt. Đây là tác phẩm đầu tay của Karin Kalisa - nhà khoa học, nhà biên tập người Đức nhiều năm nghiên cứu các lĩnh vực như ngôn ngữ, triết học và dân tộc học.

Karrin Kalisa sống ở một quận của Berlin, hàng ngày đi qua những cửa hiệu thực phẩm của người Việt và băn khoăn về cuộc sống của họ. Từ đó, bà lân la làm quen và nghe những câu chuyện đời họ kể rồi đưa vào tác phẩm.

Theo bà Meyer-Zollitsch - Giám đốc Viện Goethe Hà Nội, tác phẩm kể câu chuyện gia đình Việt kiều ba thế hệ sống tại Đức. Vợ chồng bà Hiền - ông Gấm đi xuất khẩu lao động năm 1980. Khi bức tường Berlin sụp đổ năm 1989, cuộc sống của họ đảo lộn. Nhờ vào sự giúp đỡ của những người Đức, họ mở một cửa hiệu để buôn bán kiếm sống. Con trai họ là Dũng được bao bọc để chào đời ở Đức trong những năm tháng này. Khi bố mất và mẹ già yếu, Dũng phải bỏ ngành anh theo học để tiếp tục trông coi cửa hàng.

Nhà văn Đức viết về cuộc sống của người Việt đi xuất khẩu lao động - 0

Dịch giả Lê Quang (trái) và nhà văn Nguyễn Văn Thọ (phải) cùng đại diện Alpha Books trong buổi ra mắt sách.

Cậu bé Minh - con trai Dũng - học cấp một tại một ngôi trường ở Đức. Trong "Tuần thế giới mở" của nhà trường, cậu bé được yêu cầu phải mang đến một tiết mục văn hóa đậm màu sắc Việt Nam. Bà Hiền quyết định lấy con rối - kỷ vật của người cha để lại mà bà cất kỹ mười mấy năm - ra giúp cháu. Từ đây, nhiều người biết đến con rối Việt. Cửa hàng của vợ chồng Dũng - Mây dần trở thành một nhà hát múa rối nhỏ, nơi các con của bà Hiền tìm thấy được cội rễ của mình còn những người Đức nhìn thấy được một nền văn hóa Việt Nam thu nhỏ.

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ từng có 30 năm sống ở Đức, trải qua tất cả biến động mà tác giả người Đức viết trong tác phẩm. Ông cho rằng Karin đã rất tinh tế khi viết về cuộc sống của người Việt ở Đức những năm tháng này, khiến tác phẩm hư cấu mà ông tin nó là chuyện thật, người thật. "Tác phẩm làm tôi sống lại cái thời ở Đông Đức, hồi tưởng lại những gương mặt bạn bè cũ", nhà văn xúc động.

Theo Nguyễn Văn Thọ, Karin Kalisa nói về cả những chuyện xấu của người Việt Nam ở Đức như bán hàng lậu hay thói chửi đổng. Tuy nhiên, theo ông, đó là sự phê bình thiện tâm và được nói ra bằng tình yêu dành cho người Việt. Thế nên dù có chê, ông cũng không cảm thấy tự ái.

Nguyễn Văn Thọ nhận xét tác giả đã không bi kịch hóa số phận của những người Việt ở Đức sau khi bức tường Berlin sụp đổ mà kể lại với sự duyên dáng, có đoạn tràn ngập chất giễu cợt, hài hước.

Tên tác phẩm bản gốc là Cửa hàng của Dũng. Khi chuyển ngữ, dịch giả Lê Quang đổi thành Con rối tha hương. Nhà văn Nguyễn Văn Thọ đánh giá cao việc thay đổi này. "Câu chuyện khởi đầu từ con rối, nó là quê hương, văn hóa, là kỷ vật cha ông và là xuất phát điểm của mọi diễn biến trong tác phẩm. Từ đó, một không gian văn hóa Việt được xây dựng giữa nước Đức. Cũng chính con rối đó đã gắn kết cộng đồng những người Việt Nam ở Đức, người Việt Nam với người Đức và người Đức với nhau. Chỉ có văn hóa mới khiến con người ta xích đến gần nhau như vậy", Nguyễn Văn Thọ nói.

Trên tất cả, thông điệp của cuốn sách là sự gắn kết các dân tộc, không phải bằng xung đột mà bằng văn hóa.

Theo VNExpress


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày