Cộng đồng người Việt Nam tại CHLB Đức

Cộng đồng người Việt Nam tại CHLB Đức tương đối đông. Theo con số mà Đức công bố là khoảng 100.000 người Việt Nam sinh sống và làm ăn tại Đức, trong đó khoảng 40.000 người sang Đức theo diện thuyền nhân (Boat People).

Hiện nay, cộng đồng người Việt tương đối ổn định, cần cù làm ăn, tuân thủ luật pháp nước bạn; đại đa số tích cực tham gia các hoạt động văn hoá, nghệ thuật, giao lưu, gặp gỡ do cộng đồng tổ chức.

Cộng đồng người Việt Nam tại CHLB Đức - 0

Lãnh đạo các cấp của phía Đức đều đánh giá cao cộng đồng người Việt Nam tại Đức hội nhập tốt và đóng góp quan trọng cho sự phát triển của nước Đức; đặc biệt đánh giá cao học sinh người Việt tại Đức học giỏi, tỷ lệ đỗ vào trường chuyên và đại học cao hàng đầu trong số các cộng đồng người nước ngoài tại Đức.

Theo thống kê sơ bộ, học sinh Việt Nam đỗ vào các trường chuyên đạt 53%, thành tích cao nhất trong cộng đồng người nước ngoài sinh sống tại Đức, trong khi học sinh nước sở tại chỉ đạt 45% và Thổ Nhĩ kỳ đạt 11% .

Hiện nay, có hơn 80 Hội đoàn với các quy mô khác nhau trên toàn nước Đức. Các Hội đoàn mạnh và có ảnh hưởng sâu rộng đối với Đức và bà con Việt Nam là:

  • VIFI ở Bochum, Hội Doanh nghiệp Việt Nam toàn quốc;
  • Hội người Việt của Berlin, Hội Cựu chiến binh Việt Nam tại Berlin – Brandenburg,
  • Hội phụ nữ Việt Nam ở Berlin,
  • Hội người Tràng An,
  • Hội Người Hà Nội tại CHLB Đức, Hội Thiện Từ Tâm Berlin;
  • Hội người Việt Nam ở Brandenburg;
  • Hội Diên Hồng ở Rostock;
  • Hội người Việt Nam của Leipzig, Magdeburg, Dresden và Chemnitz;
  • Hội đồng hương Thái Bình, Thanh Hoá, Hải Phòng,
  • Hội Kinh Bắc; Trung tâm Thương mại Đồng Xuân,
  • Trung tâm Thương mại châu Á-Thái Bình Dương v.v.

Trên toàn nước Đức có hơn 8.000 doanh nghiệp của người Việt Nam. Riêng Berlinđã có 1.500 doanh nghiệp người Việt Nam có đăng ký tại Phòng Công nghiệp và Thương mại của Chính quyền sở tại.

Các doanh nghiệp Việt Nam tập trung chủ yếu ở các bang phía Đông nước Đức.

Họ kinh doanh chủ yếu trong các ngành nghề thương mại, dịch vụ, nhà hàng, khách sạn, du lịch, bảo hiểm, xuất nhập khẩu, sản xuất nhỏ v.v. Ở phía Tây Đức, người Việt Nam chủ yếu làm việc trong các công ty, tập đoàn, doanh nghiệp của Đức.

Các doanh nghiệp Việt Nam tích cực tham gia các hoạt động từ thiện hướng về Tổ quốc. Một số doanh nghiệp làm ăn thành đạt đã trở về Việt Nam thực hiện một số dự án đầu tư lớn và đã tạo công ăn việc làm cho nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước; họ luôn hướng về Tổ quốc, muốn đóng góp tích cực vào việc phát triển kinh tế ở Việt Nam thông qua việc chuyển vốn về trong nước đầu tư.

Các Hội đoàn người Việt Nam mong muốn hợp tác với Hội hữu nghị Việt Nam-Đức, trước mắt là việc trao đổi thông tin, giới thiệu đối tác, sau đó sẽ tiến hành thực hiện các dự án cụ thể từ nhỏ đến lớn trong khả năng cho phép.

Các Hội người Việt Nam tại Đức thực sự là chỗ dựa tin cậy của bà con Việt kiều. Các Hội đã tích cực, chủ động tổ chức nhiều hoạt động trong cộng đồng, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của bà con Việt kiều và được Đại sứ quán Việt Nam đánh giá cao.

Cộng đồng người Việt Nam tại Đức đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc quảng bá hình ảnh người Việt Nam ở nước Đức. Họ chính là những sợi chỉ dệt lên tình hữu nghị giữa hai dân tộc Việt Nam và Đức, luôn vun đắp để gìn giữ và phát triển từ mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp nâng lên thành đối tác chiến lược hướng tới tương lai như ngày hôm nay.

Phạm Thị Thái - HỘI HỮU NGHỊ VIỆT NAM - ĐỨC


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày