Đấy là lời phát biểu thường nghe của các vị chủ tịch thành phố khi họ tham dự những ngày liên hoan Tết Nguyên Đán của cộng đồng người Việt. Một trong những đóng góp đó phải kể đến là những nghành nghề kinh doanh nhỏ lẻ và ngành rau, quả, thực phẩm là một nghề trong số đó.
Đầu những năm chín mươi khi nước Đức vừa tái thống nhất, người Thổ chở hàng ra quả đến các chợ trung tâm của miền Đông Đức bán. Cách bán hàng của họ khá đặc biệt, nghĩa là vừa bán vừa hô to rất cuốn hút khách hàng.
Người Việt nhìn thấy vấn đề và nắm bắt rồi từ đây bắt đầu hình thành một ngành nghề kinh doanh mới. Nắm bắt cơ hội kinh doanh là cơ hội, nhưng người Việt không phải là đối tượng đầu tiên nhìn thấy cơ hội vàng này mà chính là người bản xứ. Ban đầu vài người Đức nhận ra thị trường béo bở, họ nhanh chân gây dựng một chuỗi những chiếc lều gỗ xinh xắn, đặt ở nhiều địa điểm đông người qua lại và bán hàng chạy như tôm tươi. Kinh tế thị trường rộng mở, người Việt lúc này phần lớn đã thất nghiệp. Người nhận tiền đền bù về nước, người ở lại phân vân chưa biết làm gì ngoài việc theo nhau đi bán áo quần và thuốc lá lậu.
Lúc này các trung tâm lớn, nhỏ chưa kịp xây dựng để có mặt kịp thời nên những mặt hàng thiết yếu hàng ngày không chỉ rau quả mà ngành kinh doanh nào cũng có thể làm ăn được. Người Việt nhạy bén đương nhiên sẽ không đứng ngoài lề. Họ nắm bắt rất nhanh và chỉ cần một chiếc xe tải nhỏ cũ rồi tìm thuê được một chỗ bán hàng là xong việc. Khởi thủy họ cũng chỉ có những quầy hàng nhỏ bán lưu động ngoài đường phố. Sáng sớm tinh mơ họ đã lên đường đến nơi đổ hàng để lấy rau quả cho tươi rồi vội vã về cho kịp bày hàng ra bán. Thời gian đầu gần như hàng bán gần hết ngay trong ngày mà lúc này cũng chưa có kho hay cửa hiệu để cất hàng nên lấy ngày nào phải bán hết hàng ngày đó.
Nghề bán rau quả của người Việt phát triển rất nhanh chóng chiếm lĩnh thị phần của người Đức và người Thổ. Người Đức làm ăn bài bản lại phải thuê người bán hàng đương nhiên trả thuế nhiều cả cho công nhân lẫn thu nhập cá nhân. Trong khi người Việt tự làm, tự ăn nên chi phí đơn giản hơn nhiều. Chỉ một thời gian ngắn người Việt bán rau quả nhiều người trở thành những ông chủ lớn.
Cùng với việc làm ăn thuận lợi không chỉ trong nghề bán rau quả, họ dần dần tìm nhiều con đường đón người thân sang và hình thành hẳn một cộng đồng ngày càng lớn mạnh về quân số, nhưng cũng từ đây việc kinh doanh gặp nhiều khó hơn. Thị phần ngày càng thu hẹp, góc phố nào người ta cũng thấy sự có mặt của người Việt.
Các trung tâm to nhỏ của các hãng lớn lần lượt ra đời và tất cả những gì cần thiết cho cuộc sống hàng ngày đều được họ đưa vào với cái giá cạnh tranh rất khó cho người Việt bán hàng nhỏ lẻ. Ngoài ra cuộc cạnh tranh không kém phần khốc liệt là ngay trong cộng đồng buôn bán giữa người Việt. Nhưng rồi người Việt thông minh rất dễ thích ứng. Họ nhanh chóng tìm ra những giải pháp trong nghề mà người Đức khó biết như gọt quả cho vào hộp bán cho khách hàng. Rau cũng vậy, mùa nào thức ấy, người này bắt chước người kia thành một kiểu bán hàng và phục vụ rất đặc biệt.
Mùa đông lạnh, rau quả bán ngoài đường không được tốt nữa vì lạnh và tuyết thì hỏng hết hàng. Mọi người bắt đầu tìm cửa hàng để duy trì cuộc sống dù tiền thuê cửa hàng đương nhiên sẽ lớn hơn mà chi phí lại tăng lên kèm theo doanh thu ngày một giảm do cạnh tranh với các hãng thực phẩm lớn của Đức.
Ngoài những mẹo mực nhỏ trong kinh doanh thì người Việt rất chăm chỉ chịu khó. Họ dậy sớm thức khuya thay nhau làm lụng để duy trì cuộc mưu sinh. Nhưng vẫn rất khó khăn khi sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Để tăng thêm thu nhập, người ta bắt đầu bán thêm các mặt hàng thực phẩm, nước uống và đồ châu á hay cà phê, thuốc lá và bán kèm theo hoa mặc dù theo lý thuyết thì hoa và quả không nên để cùng trong một cửa hàng vì sẽ chóng hỏng. Nhưng bà con vẫn cứ “làm liều” rồi đâu vẫn vào đấy. Mùa nào thức nấy họ dần bán thêm các mặt hàng mà tưởng chỉ có người Đức biết mà thôi, như bán thông cho mùa vọng và Totensontag.
Không như người Đức ở các cửa hàng hoa là họ lấy sản phẩm làm sẵn về bán, người Việt mua vật liêụ về và tự tay làm. Điều đáng khâm phục là họ làm khéo và rất đẹp chẳng khác gì người bản xứ làm hàng chuyên nghiệp dù chẳng được học hành gì. Từ đây mùa đông thay cho rau quả tiêu thụ được ít hơn thì thông cho bà con thêm một nguồn thu mới. Nói đến hoa thì người Đức phải học rất lâu và bài bản để chứng chỉ đàng hoàng thì ngươì Việt cũng không cần. Họ tự mày mò học nhau hay qua mạng rồi lấy hoa về tự bó. Mùa nào thức nấy, xuân bán hoa xuân hè bán hoa hè và đông bán hoa đông còn thêm cả cây cỏ. Sẽ không ngoa nếu gọi cửa hàng của người Việt phần đông là một tiệm tạp hoá, tạo thành một kiểu cách kinh doanh riêng.
Cửa hàng thường có rất ít không gian thoáng vì còn tranh thủ bày hàng, khác hẳn với tính thẩm mỹ cao của ngươì Đức nhưng qua mấy chục năm hình thành khách hàng Đức cũng đã dần quen với cung cách bán hàng của ngươì Việt. Họ phần lớn là người già, trung niên, và người nghèo dễ thông cảm với thu nhập và công việc khó nhọc của người Việt. Nhờ đó mà bà con mình chỉ cần một tiệm nhỏ thôi vẫn đủ chi tiêu rồi về thăm thú hay giúp đỡ gia đình.
Những năm gần đây do nhiều nguyên nhân trong đó có việc thắt chặt hơn về qui định cân mới để dễ kiểm tra thuế cũng như vệ sinh dịch tễ. Rồi người Việt thế hệ cũ ngày cũng già đi, sức khoẻ không đủ để làm công việc nặng nhọc vất vả này, từ lâu nhiều người đã âm thầm tìm con đường làm ăn khác.
© 2024 | Thời báo ĐỨC