"Lê Duy Bảo là kẻ tàn nhẫn và vô cảm. Y là chủ mưu vụ thảm sát lớn nhất trong lịch sử nước Đức kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai. Không thể có mức án thấp hơn với y", luật sư Annette Dreher đã phát biểu như vậy tại phiên tòa.
Buôn thuốc lá lậu từng là nghề hái ra tiền của người Việt tại Berlin.
Trước năm 1994, Bảo chuyên sống bằng nghề buôn bán linh kiện xe máy ăn cắp ở Vinh. Thời gian này Bảo đã có liên hệ với một số tay anh chị là chiến hữu của y trong các hoạt động buôn lậu và bảo kê ở Đức và CH Czech sau này.
Đầu năm 1994, Bảo được một thân tín ở Berlin gửi cho một số tiền (khoảng 5.000 USD) để mua hộ chiếu giả bay đến Matxcơva. Từ đây, Bảo được một đường dây đưa người dùng xe ôtô buýt chở tới Prague.
Bảo nằm đợi ở Prague khoảng 3 tuần, rồi được một một nhóm khác dẫn tới Berlin qua đường rừng.
Khi Bảo tới Berlin thì thị trường thuốc lá lậu đang bị các nhóm "bộ đội" (bảo kê) giằng co mãnh liệt. Thực ra, việc bán thuốc lá trốn thuế của người Việt Nam đã bắt đầu từ sớm hơn thế rất nhiều.
Năm 1989, phần lớn các doanh nghiệp ở Đông Đức đứng bên bờ phá sản. Khoảng 60.000 công nhân lao động xuất khẩu người Việt đứng trước hai lựa chọn: hoặc là nhận tiền đền bù và về nước trước hợp đồng, hoặc là ở lại nhận lương trợ cấp thất nghiệp.
Trong bối cảnh ấy, nhiều người lao động Việt Nam đã "ra đường". Trong các hoạt động buôn bán thì bán thuốc lá (nhập lậu từ Đông Âu và Nga) là đem lại lợi nhuận cao hơn cả. Việc buôn bán này chủ yếu diễn ra ở các thành phố lớn của Đông Đức như Berlin, Leipzig, Dresden...
Một cảnh bán thuốc lá lậu ở Berlin.- Ảnh DW
Tùy địa điểm, một người đứng bán có thể thu nhập khoảng 100-300 USD/ngày. Những năm 1990-1993 được gọi là thời "mưa tiền" của những người bán thuốc lá lậu.
Tuy nhiên, đến năm 1994-1995 thì tình hình trở nên khó khăn hơn. Trong cộng đồng của người Việt hình thành các băng nhóm, thay nhau khống chế các điểm bán thuốc lá. Tại Berlin, nổi lên các nhóm Hà Nội, Nghệ An, Quảng Bình, Hà Tiên... với hoạt động chủ yếu là bảo kê và khống chế nguồn thuốc lá. Lê Duy Bảo đến Berlin trong bối cảnh mà việc chém giết giữa các băng nhóm đã trở thành "cơm bữa".
Với bản tính lạnh lùng, tàn bạo, Bảo đã nhanh chóng thu thập một đám du côn độ tuổi 18-25 (kẻ già nhất trong nhóm lúc đó mới 34 tuổi). Trong đám này có những kẻ vô công rồi nghề, một phần trốn ra từ các trại tị nạn, rất hung hãn và "khát tiền".
Chỉ trong thời gian ngắn, nhóm Ngọc Thiện do Bảo cầm đầu đã khống chế khoảng 70% tụ điểm bán thuốc lá ở Berlin, với tổng tiền bảo kê khoảng nửa triệu USD/tháng. Ngoài ra, Bảo còn chạy giấy tờ giả, kinh doanh các nhà hàng để làm nơi rửa tiền.
Tháng 3/1995, hai thành viên của nhóm Ngọc Thiện phản bội Bảo, và đến đầu quân dưới trướng của các "bố già" Quảng Bình. Bảo rất giận, và đã cho các "bộ đội" của y hành quyết hai tên "phản đồ" này, rồi vứt xác bên vệ đường tàu.
Các "bố già" Quảng Bình đáp lại hành động "ngông cuồng" của Bảo bằng việc bắn chết một thành viên của nhóm Ngọc Thiện. Đây là giọt nước làm tràn cốc. Bảo tuyên bố sẽ làm một cuộc "tắm máu" chưa từng thấy để "xác lập lại trật tự".
Ngày 10/5/1995, Bảo ra lệnh cho 3 sát thủ (tên trẻ nhất lúc đó mới 18 tuổi) xông vào một căn hộ thuộc khu chung cư của người Việt ở quận Marzahn để "làm việc". 3 tên này đã dùng súng uy hiếp, trói chặt chân tay 6 người đàn ông trong phòng. Sau đó, chúng kề súng vào đầu từng người, tra hỏi nơi ẩn náu của hai "bố già" Quảng Bình. 6 người không chịu khai báo và đã bị bắn chết từng người một.
Sau vụ thảm sát, nhóm Ngọc Thiện khống chế thị trường thuốc lá lậu Berlin. Tuy nhiên thời "hoàng kim" không kéo dài bao lâu. Tháng 9/1996, Lê Duy Bảo bị bắt cùng người tình ở một căn hộ khu Luetzow - Ufer. Các "chiến hữu" khác của y cũng lần lượt sa lưới.
Nhóm tội ác Ngọc Thiện bị xóa sổ. Điều trớ trêu nhất với Bảo là y bị chính người tình (nhân chứng duy nhất) tố cáo trước tòa.
© 2024 | Thời báo ĐỨC