Trong clip được người vợ Việt đăng tải trên mạng xã hội, người chồng Tây vừa ăn vừa hỏi: "Hôm nay làm ngon hơn. Nước mắm ở mô?" khi thấy trên bàn không có nước mắm. Người phụ nữ trả lời và hỏi thêm: "Người Nghệ An gọi là quê gì?", anh liền trả lời: "Quê choa".
Cuộc trò chuyện thường nhật của cặp vợ chồng khiến người xem vô cùng thích thú. Người vợ là chị Nguyễn Thị Hòa (39 tuổi, quê ở Nghệ An), hiện đang làm việc tại một trung tâm chỉnh hình và phục hồi chức năng ở Thụy Sỹ. Chồng là anh Martin Knöfel (39 tuổi, quốc tịch Đức) hiện đang là kỹ sư xây dựng
"Chồng rất thích nói giọng Nghệ An"
Chia sẻ với Thanh Niên, chị Hòa cho biết, ông xã nói tiếng Việt giọng Nghệ An khá tốt. Chị thấy thú vị về điều đó. Thời gian đầu, chị nghĩ đăng những clip ngắn khi vợ chồng nói chuyện lên trang cá nhân chỉ làm kỷ niệm và không ngờ được sự đón nhận của mọi người. Ai nấy đều nói xem những clip đó giúp họ vui vẻ và giảm stress.
Cả hai hiện đang sống và làm việc ở Thụy Sỹ
"Tôi không thấy anh "khổ thân" khi nói giọng Nghệ An vì thực tế anh chưa bao giờ ngồi học một cách nghiêm túc. Chắc anh có năng khiếu học ngoại ngữ nên nghe vợ nói liền nói theo. Tôi yêu tiếng mẹ đẻ của mình nên mỗi lần nói chuyện với anh, tôi đều nói tiếng ở quê", chị cho biết.
Nghe vợ nói nhiều bằng giọng Nghệ An, anh quen và dần nói theo phản xạ. Nhiều người nhắc anh chỉnh sửa nhưng anh vẫn thích nói giọng này.
"Anh về Việt Nam và thường đi theo ba vợ đánh cờ, đánh bóng chuyền. Ở đó, anh người nhiều người chỉ cho rất nhiều từ địa phương. Cả nhà ai cũng bất ngờ khi thấy anh nói những từ đó", chị kể.
Chàng rể Tây chụp hình với ba vợ
Anh Martin Knöfel bày tỏ: "Tôi thích nói giọng Nghệ An vì khó học và không phải ai cũng hiểu biết chất giọng này. Vì khó và "độc" nên tôi rất hứng thú".
"Người Việt Nam rất tình cảm"
Anh là bạn của anh rể chị Hòa. Năm 2007, anh theo bạn về Việt Nam du lịch và ghé nhà chị chơi. Thời điểm đó, chị đang là sinh viên, đi học xa nhà. Hai người gặp nhau lần đầu vì trước đó không hề quen biết.
"Hôm anh về nhà, mẹ tôi có gọi điện bảo tôi về. Lúc đầu, tôi muốn ở lại thành phố chơi với bạn. Mẹ nói thêm: "Về nhà đi, nhà ta có ông Tây đến chơi về mà luyện nói tiếng Anh. Mẹ có nấu cho nồi thịt kho tàu rồi lấy mà mang đi". Nghe lời mẹ, tôi bắt xe về với mục đích chính là nồi thịt kho tàu chứ không phải ông Tây", người vợ nhớ lại.
Anh Martin Knöfel (ngoài cùng bên phải) rất thích ẩm thực Việt Nam
Vừa xuống xe, chị "đứng hình" mấy giây vì độ đẹp trai của anh. Vì ngại ngùng, chị chỉ kịp gật đầu chào và phi thẳng vào nhà bếp, vài tiếng sau cũng không dám lên. Lúc đầu, anh xuống xin cà phê sau lại xuống xin sữa. Sau này, chị mới biết là anh lấy cớ xuống làm quen với chị. Trước khi về Đức, anh xin số điện thoại, hai người tìm hiểu nhau, chính thức yêu nhau và nên duyên vợ chồng.
Người vợ kể lại, trong 5 năm chị học y, anh giành làm tất cả mọi việc trong nhà như giặt đồ, rửa chén, hút bụi... Anh muốn chị chuyên tâm vì chương trình học khá nặng. Việc chính của chị là nấu ăn vì việc này anh làm khá dở. Sau khi ra trường, vợ chồng họ chia nhanh ra làm, người chồng luôn đồng hành cùng vợ từ việc nhỏ đến việc lớn. Họ kết hôn đã được 15 năm.
Với chàng rể người Đức, vợ là người thông minh và chịu khó. Chị chăm chỉ, biết đối nhân xử thế và là người phụ nữ thích độc lập, tự chủ về kinh tế, không phụ thuộc chồng. Anh còn mê các món Việt Nam, lúc nào trên bàn cũng có rau xanh.
"Ẩm thực Việt Nam quá phong phú, riêng món phở cũng có rất nhiều loại. Người Việt rất tình cảm, cha mẹ con cái yêu thương, quan tâm nhau, không phải mạnh ai nấy sống. Một người gặp khó khăn cả gia đình chung tay giúp đỡ. Tôi rất trân trọng và ngưỡng mộ tình cảm đó", anh Martin Knöfel bày tỏ.
Nàng dâu Việt được gia đình chồng yêu thương
Khi quyết định kết hôn với cô gái Việt Nam, anh không băn khoăn điều gì vì anh tin và thương chị. Điều khiến anh lo lắng duy nhất là sợ chị không hợp văn hóa, ẩm thực và ba mẹ chồng khi sang Đức làm dâu. Tuy nhiên, thật may mắn khi cả nhà anh đều thương yêu và cảm mến chị.
Theo Thanh Niên
© 2024 | Thời báo ĐỨC