Bà Trương Thị Kim Soan tại phiên tòa ngày 16-4 - Ảnh: KHẮC HIẾU
Ngày 16-4, Tòa án nhân dân TP.HCM đã mở phiên xét xử đối với bà Trương Thị Kim Soan (50 tuổi, ngụ Quảng Ngãi) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trước khi bị bắt tạm giam, bà Soan được biết đến là nhà môi giới đầu tư sở hữu nhiều doanh nghiệp lớn.
Giả chữ ký làm thủ tục chuyển nhượng
Theo cáo trạng, giai đoạn 2010 - 2017, bà Soan môi giới và hợp tác cùng ông J.K. (người Hoa, quốc tịch Australia) thực hiện giao dịch mua bán mỏ, cổ phần các công ty.
Tháng 4-2013, bà Soan gặp ông J.K. nói nên mua mỏ titan 360 héc ta tại Bình Thuận của Công ty cổ phần Khoáng sản và thương mại Sao Mai (công ty Sao Mai).
Bà Soan nói mỏ đã được thăm dò, cấp phép, có trữ lượng lớn và dự kiến sinh lợi nhuận cao.
Sau đó bà Soan tiếp tục giới thiệu ông J.K. gặp ông N.V.H. (giám đốc công ty Sao Mai) để khảo sát thực tế và nói sẽ đàm phán mua giúp vì nếu trực tiếp bàn bạc với ông H., giá mỏ có thể bị tăng lên. Bà Soan cũng hứa mua với hình thức mua cổ phần, sau đó bán lại cho ông J.K.
Tuy nhiên cáo trạng xác định thời điểm thỏa thuận mua cổ phần, mỏ Sao Mai chưa được cấp phép khai thác. Bà Soan đã đề nghị ông J.K. chi tiền trả phí cấp phép khai thác, khoan thăm dò và chi phí khác.
Đến tháng 6-2013, ông J.K. đại diện công ty Sense Development Ltđ (trụ sở tại Hong Kong) đã chuyển 1,6 triệu USD đến tài khoản của bà Soan. Ông này đồng thời chỉ đạo thư ký là bà W.D. chuyển 3 lần tổng cộng 350.000 USD cho bà Soan.
Trong quá trình mua cổ phần mỏ, ông J.K. thống nhất với bà Soan chuyển nhượng mỏ này cho Công ty Yue Da giá 34 triệu USD. Bà Soan đã nhận 7 triệu USD đặt cọc.
Đến tháng 6-2014, bà Soan làm thủ tục thành lập Công ty Thiên Bình và được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp do bà Soan và chồng mình góp vốn.
Bà Soan sử dụng pháp nhân Công ty Thiên Bình để mua 100% cổ phần Công ty Sao Mai, tiếp tục ký 2 hợp đồng chuyển nhượng phần vốn góp sang Công ty Happy Town. Công ty Happy Town đã sở hữu 90% cổ phần Công ty Thiên Bình.
Đồng thời bà Soan thuê luật sư làm hồ sơ chứng minh công ty của ông J.K. đã sở hữu thực tế 60% cổ phần Công ty Sao Mai.
Sau đó bà này làm hai hợp đồng chuyển nhượng phần góp vốn, giả chữ ký bà W.D. và trực tiếp ký giả chữ ký bà L.T.S. (mẹ ruột bà Soan). Từ đây, bà Soan làm thủ tục chuyển nhượng phần góp vốn từ Công ty Happy Town sang cho bản thân và mẹ mình rồi làm thủ tục thay đổi đăng ký doanh nghiệp, loại trừ phần vốn góp của Happy Town tại Thiên Bình.
Sau khi làm các thủ tục, bà Soan hoàn thành việc chiếm đoạt hơn 2,85 triệu USD của ông J.K. Để nhận tiếp 350.000 USD, bà Soan yêu cầu ông chuyển thêm tiền để xin giấy khai thác mỏ.
Cáo trạng cáo buộc bà Soan đại diện Công ty Sao Mai ký hợp đồng và giả chữ ký để chuyển 100% cổ phần cho 3 người khác mà không báo cho ông J.K.
Theo đó bà Soan đã chiếm đoạt 3,2 triệu USD của ông J.K. chuyển để đầu tư mua cổ phần Công ty Sao Mai.
Phủ nhận nội dung cáo trạng
Tại tòa, bà Soan phủ nhận nội dung cáo trạng quy kết và khẳng định số tiền 3,2 triệu USD là của 3 công ty nước ngoài đầu tư để giúp đỡ bà, không phải là tiền của bị hại.
"Bị hại và tôi đều là người môi giới, không phải nhà đầu tư. Không có hợp đồng nào cho thấy việc mua và bán mỏ Sao Mai giữa cả hai", bà Soan nói.
Bà Soan cho biết suốt 32 tháng qua, bà rất mong chờ ngày vụ án được đem ra xét xử. Bà Soan nói mong được làm rõ vụ án để "giải oan" cho mình.
Tuy nhiên phía bị hại cho biết có nhiều tài liệu, hợp đồng đã được xác nhận bởi cơ quan chức năng. Hiện các tài liệu này đã được giao nộp cho hội đồng xét xử.
Trả lời hội đồng xét xử, ông J.K. cho biết bản thân rất sốc. Đến năm 2021, khi vụ án được điều tra, bản thân ông mới biết mình không có quyền sở hữu mỏ Sao Mai và mỏ này đã được chuyển nhượng cho người khác.
"Tôi đưa tiền cho bà Soan nhưng bà không có giấy tờ chứng minh tôi sở hữu mỏ Sao Mai. Bà Soan sắp xếp luật sư làm giấy tờ, tôi phần vì tin tưởng, phần không biết tiếng Việt nên tiếp tục đưa tiền cho bà lo liệu", ông J.K. nói.
Phiên tòa dự kiến kéo dài trong hai ngày 16 và 17-4.
TUYẾT MAI - KHẮC HIẾU
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online
© 2024 | Thời báo ĐỨC