Trường THPT Võ Chí Công - Ảnh: LÊ TRUNG
Dạy và học "ké" trường khác
Dự án Trường THPT Võ Chí Công ở xã A Xan, huyện Tây Giang được triển khai thực hiện từ năm 2016 theo hai giai đoạn với tổng mức đầu tư hơn 63 tỉ đồng.
Sạt lở núi đe dọa ngôi trường hơn 63 tỉ ở Quảng Nam
Giai đoạn 1 bao gồm các hạng mục khối nhà lớp học, khu nội trú học sinh, kè ta luy, khu hiệu bộ, thí nghiệm, thư viện, nhà công vụ, nhà đa năng do Sở Giáo dục và Đào tạo làm chủ đầu tư với kinh phí hơn 33 tỉ đồng.
Năm 2019 tỉnh tiếp tục phê duyệt dự án giai đoạn 2 với mức đầu tư gần 30 tỉ đồng, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh làm chủ đầu tư, tiếp tục triển khai các hạng mục tiếp theo.
Năm học 2019 trường đưa vào sử dụng, tuy nhiên học sinh học chưa được bao lâu thì sau những đợt mưa lũ cuối năm 2020, trường này xảy ra tình trạng sạt lở nghiêm trọng ở đồi núi sau trường.
Hàng nghìn khối đất đá từ ta luy dương đổ xuống, kèm theo những vết nứt lớn ở phía đỉnh đồi gây ảnh hưởng trực tiếp đến việc dạy và học.
Nhìn từ trên cao những vết nứt ở ngọn đồi đe dọa ngôi trường, vì vậy học sinh phải đến điểm trường khác học để đảm bảo an toàn - Ảnh: LÊ TRUNG
Để đảm bảo an toàn, chính quyền huyện Tây Giang đã tổ chức di chuyển học sinh về học tạm tại Trường THPT Tây Giang và ở nội trú tạm tại khu ký túc xá Trung tâm dạy nghề của huyện.
Theo ghi nhận Trường THPT Võ Chí Công được xây dựng khang trang trên một ngọn đồi hiện nay không một bóng học sinh, giáo viên, bị bỏ hoang suốt bốn năm nay. Tường bám đầy rêu mốc, bụi đất trông rất nhếch nhác.
Đồi núi ở phía sau trường học này còn lộ nhiều vết nứt toác lớn của đợt sạt lở trước đó, đến nay vẫn chưa được thi công bờ kè.
Từ năm 2020 đến nay, thầy và trò của trường phải học "nhờ" ở 7 phòng học của Trường THPT Tây Giang và ở nội trú một khu nhà bên cạnh trường nhỏ, cũ kỹ, họ mong ngóng từng ngày được trở về trường cũ.
Thầy Nguyễn Công Tươi - hiệu trưởng Trường THPT Võ Chí Công - cho biết hiện nay có 233 học sinh với 7 lớp đang học nhờ phòng học của Trường THPT Tây Giang. Khu nội trú được bố trí bên cạnh trường này, huyện cũng đầu tư một nhà phục vụ bếp ăn cho học sinh.
"Thầy và trò mong muốn trường được đầu tư xây dựng an toàn để về lại dạy, tạo sự an tâm cho học trò", thầy Tươi nói.
Đầu tư kè chống sạt lở
Trước đó UBND tỉnh Quảng Nam có quyết định phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Trường Võ Chí Công, tổng kinh phí giai đoạn 3 này là gần 29 tỉ đồng.
Dự án sẽ tiến hành san gạt tạo mái dốc, đào xúc đất sạt lở năm 2020, xây kè bảo vệ ta luy dương, gia cố bảo vệ mái dốc. Như vậy so với mức đầu tư ban đầu thì nay công trình này đã đội vốn thêm để khắc phục sạt lở.
Ông Nguyễn Công Thành - phó giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng Quảng Nam - cho biết hiện nay ban đã trình kế hoạch lựa chọn nhà thầu để tổ chức đấu thầu công trình kè chống sạt quanh trường.
Khu nhà nội trú cũng nằm cạnh quả đồi - Ảnh: LÊ TRUNG
Cảnh nhếch nhác ở trường - Ảnh: LÊ TRUNG
Trường được xây dựng khang trang nhưng học sinh phải đến trường khác học nhờ bởi sạt lở núi - Ảnh: LÊ TRUNG
Từ năm 2020 đến nay học sinh phải học nhờ ở điểm trường khác - Ảnh: LÊ TRUNG
LÊ TRUNG
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online
© 2024 | Thời báo ĐỨC