Vụ cưỡng chế test COVID-19 ở Bình Dương: Những bất ổn về pháp lý

Sự cưỡng chế chỉ nên sử dụng như biện pháp cuối cùng nhằm răn đe người vi phạm. Tất nhiên, việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế cũng phải nằm trong khuôn khổ pháp luật.

LTS: Tối 28-9, một đoạn clip ghi lại hình ảnh lực lượng công an phá cửa để vào một căn hộ thuộc chung cư Ehome 4 (phường Vĩnh Phú, TP Thuận An, Bình Dương) cưỡng chế chị HTPL ra ngoài để test COVID-19 gây xôn xao dư luận.

Xoay quanh vụ việc trên, PLO gởi đến bạn đọc góc nhìn của Tiến sỹ Cao Vũ Minh, Giảng viên Khoa Luật Hành chính - Nhà nước, Đại học Luật TP.HCM.

Cần khẳng định hành vi của người phụ nữ không thực hiện xét nghiệm theo yêu cầu của cơ quan y tế có thẩm quyền là sai, đặc biệt là khi cơ quan nhà nước đã 02 lần yêu cầu nhưng chị không thực hiện.

Với những biểu hiện cụ thể, đây là một vi phạm hành chính và bị xử phạt theo điểm a khoản 2 Điều 7 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28-9-2020 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế.

Biện pháp nào là đúng?

Trong trường hợp này, người phụ nữ kia không thể “vịn” vào cớ mình có thể tự test ở nhà, mình là giáo viên Yoga nên biết tự chăm sóc và bảo vệ sức khỏe. Ngay cả khi chị này, ngày nào cũng tự test thì với yêu cầu của cơ quan y tế có thẩm quyền, chị phải chấp hành nghĩa vụ.

1 Vu Cuong Che Test Covid 19 O Binh Duong Nhung Bat On Ve Phap Ly

Lực lượng chức năng phường Vĩnh Phú phá khóa và cưỡng chế người phụ nữ để test COVID. Ảnh: Cắt từ clip

Hành vi từ chối, không chấp hành của chị có thể bị xử phạt từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng. Trường hợp sau khi bị xử phạt mà chị này tiếp tục không thực hiện xét nghiệm thì lại cấu thành một vi phạm hành chính mới. Lúc này cơ quan nhà nước lại xử phạt về hành vi trên với mức tiền phạt tối đa là 3.000.000 đồng vì có tình tiết tăng nặng.

Tuy nhiên, đó cũng là tất cả những gì mà các cơ quan nhà nước có thể áp dụng với chị.

Cách làm của các chủ thể mang quyền lực tại phường Vĩnh Phú, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương trong trường hợp trên là rất bất ổn cả dưới góc độ nội dung lẫn thủ tục pháp lý.

Về nội dung, theo Nghị định số 117/2020/NĐ-CP thì hành vi của chị chỉ có thể bị phạt tiền mà không thể bị cưỡng chế để bắt buộc đi test nhanh. Hành vi của chị này cũng không phải là “gây rối trật tự công cộng (nhà của chị không phải là nơi công cộng) hay gây thương tích cho người khác” nên cũng không thể tạm giữ người theo thủ tục hành chính. Một khi không thể tạm giữ người theo thủ tục hành chính thì cũng không thể áp dụng biện pháp áp giải người vi phạm. Điều 122 và 124 Luật Xử lý vi phạm hành chính hoàn toàn không cho phép làm việc này.  

Về thủ tục, việc mở khóa xông vào nhà và cưỡng chế người đi test nhanh không tìm thấy trong bất cứ một văn bản pháp luật nào về xử lý vi phạm hành chính và trong các quy định liên quan đến phòng chống dịch. Hiện nay, pháp luật chỉ quy định về biện pháp khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính khi có căn cứ cho rằng ở nơi đó có cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

Hành vi của người phụ nữ không có tang vật, phương tiện vi phạm nên không thể áp dụng biện pháp khám xét. Ngay cả khi chủ thể mang quyền lực tại phường Vĩnh Phú, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương cho rằng đây là cách làm cần thiết thì cũng không đúng về thủ tục vì việc khám xét nơi ở phải được Chủ tịch UBND cấp huyện - tức Chủ tịch UBND TP Thuận An quyết định. Bản thân Bí thư Đảng ủy hay Chủ tịch UBND phường Vĩnh Phú không có quyền này.

Ngoài ra, ở một chừng mực nhất định, hành vi tự ý mở khóa xông vào nhà người khác, cho dù là của người mang quyền lực nhà nước thì vẫn chưa phù hợp với các quy định về quyền bất khả xâm phạm chỗ ở của công dân được Hiến pháp và Luật Cư trú bảo hộ.

Cần tuân thủ pháp luật

Về mặt xã hội, chuỗi hành vi tự ý mở cửa, xông vào nhà, cưỡng chế và áp giải với hai cảnh sát cơ động hai bên đã gây ra sự phản cảm khá lớn. Đặc biệt, hành vi này lại diễn ra trước mặt của trẻ em với tiếng khóc trong sự ngỡ ngàng, tuyệt vọng. Cách hành xử này có thể để lại trong tâm trí của đứa trẻ hình ảnh không đẹp về công quyền cũng như tâm lý định kiến với pháp luật.

Cách đây vài tháng, tại TP.HCM có trường hợp nam thanh niên không đeo khẩu trang, ra công viên tập thể dục và bất chấp sự can ngăn của lực lượng công an. Nhiều người phẫn nộ với thói bàng quan, phớt lờ của nam thanh niên này. Thế nhưng, ở chiều hướng ngược lại, cách hành xử của các anh công an rất nhân văn, lịch sự và thượng tôn pháp luật. Họ không vồ vập tiến hành cưỡng chế, tạm giữ người hay áp giải. Thay vào đó, họ giải thích, thuyết phục, mời về cơ quan làm việc. Sau khhi giải thích về hành vi vi phạm và bị phạt tiền, nam thanh niên đã chấp hành pháp luật và cũng không tái diễn lại hành vi vi phạm.

Như vậy, có thể thấy, cách làm nhân văn, đúng pháp luật của các anh công an tại TP.HCM đã mang lại hiệu quả trong đấu tranh phòng chống vi phạm hành chính.

Dịch bệnh sẽ còn kéo dài, hành vi trốn tránh, không thực hiện xét nghiệm theo yêu cầu của cơ quan y tế có thẩm quyền sẽ có thể diễn ra trong tương lai. Tuy nhiên, không phải vì kiên quyết với bài toán khó này mà các chủ thể mang quyền lực có thể bất chấp pháp luật.

Là một chủ thể đặc biệt, các cơ quan công quyền càng phải tôn trọng pháp luật và phải hành xử trong khuôn khổ pháp luật.

Hành vi mở khóa, xông vào nhà, cưỡng chế người đi test nhanh không khác gì “dùng các biện pháp phi trật tự để duy trì trật tự”. Do đó, không thể nhân rộng cách làm này.

Theo tôi, con người ý thức được tầm quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe của mình. Do đó, các cơ quan nhà nước cần đề cao tư duy “đức chủ - hình bổ”. Trước hết hãy thuyết phục, vận động người dân tham gia test hoặc hướng dẫn, phát các kit test miễn phí cho họ.

TS. CAO VŨ MINH

Báo Pháp luật TP HCM


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày