Thợ khai thác than ở Quảng Ninh
Theo Tổng cục Hải quan (GDC), trong 7 tháng đầu năm 2018, Việt Nam tăng nhập khẩu than lên 49%, kim ngạch tăng 71%.
Trong khi Việt Nam có thể mua than từ Indonesia với giá 1,6 triệu đồng/tấn thì hiện đang trả 8,2 triệu đồng/tấn hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, theo Vietnamnet.
Một báo cáo của GDC hồi tháng Năm cho thấy giá nhập khẩu than là 2,67 triệu đồng/tấn, thấp hơn 330.000 đồng so với giá xuất khẩu. Điều này cho thấy Việt Nam xuất khẩu loại than có giá trị và nhập khẩu các sản phẩm chất lượng thấp.
Các loại than chất lượng thấp mà Việt Nam đang tăng cường nhập về là than cám, loại xuất đi loại giá trị cao như antraxit, than đá vỉa, than cốc, theo Báo Đất Việt.
Các nhà phân tích chỉ ra rằng giá than Trung Quốc bán cho Việt Nam cao hơn nhiều so với các thị trường khác, và cao hơn giá mà Trung Quốc mua từ Việt Nam, bài báo trên Vietnamnet cho hay.
Ông Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học, Công nghệ và Quản lý Môi trường, được dẫn lời trên Vietnamnet, cho biết ông và các nhà khoa học khác nhiều lần lên tiếng bày tỏ lo ngại về việc bán quặng và khoáng sản cho Trung Quốc với giá thấp đã tồn tại trong nhiều năm.
Ông Bá nhấn mạnh rằng quan hệ kinh tế giữa các nước là công bằng, vì vậy Việt Nam không nên và không phải bán tài nguyên thiên nhiên với giá rẻ cho bất kỳ quốc gia nào khác.
Ông Phạm Phổ, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế và Công nghệ Sài Gòn (SAIMETE), nhận xét đây là thời điểm thích hợp để Việt Nam hạn chế và ngừng xuất khẩu nguyên liệu thô mang lại doanh thu khiêm tốn.
Hồi tháng Tư, các báo Việt Nam cũng đưa tin về tình trạng tồn đọng hàng tấn than trong nước nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn phải nhập về.
Hồi tháng Một, Thanh tra Chính phủ từng kiến nghị Bộ Công an điều tra thất thoát và thua lỗ hàng ngàn tỉ đồng tại Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV).
Tổng số các dự án thiệt hại và quyết định kinh doanh sai phạm của TKV được cho là dẫn tới thua lỗ mức tổng cộng là 15.000 tỷ đồng.
Nguồn: BBC
© 2024 | Thời báo ĐỨC