Cụ thể, 3 tháng đầu năm, Vietnam Airlines đạt doanh thu hợp nhất hơn 11.600 tỷ đồng, tăng 55% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là mức doanh thu cao nhất kể từ quý II/2020, thời điểm dịch Covid-19 bắt đầu ảnh hưởng nặng nề đến ngành hàng không.
Tuy doanh thu tăng tích cực, giá vốn bán hàng vẫn vượt doanh thu khiến hãng hàng không quốc gia lỗ gộp gần 1.600 tỷ đồng. Sau khi trừ các chi phí khác, Vietnam Airlines ghi nhận lợi nhuận trước thuế âm 2.621 tỷ đồng. Đây cũng là quý lỗ thứ 9 liên tiếp của hãng hàng không quốc gia.
Theo Vietnam Airlines, kết quả sản xuất kinh doanh quý I vẫn phản ánh rõ ảnh hưởng nặng nề của đại dịch kéo dài từ 2021 sang đầu năm nay, dù thị trường hàng không Việt Nam phục hồi khá nhanh. Cùng với đó, thị trường quốc tế 3 tháng đầu năm gần như vẫn đóng băng, ảnh hưởng tiêu cực do xung đột Nga - Ukraine, giá nhiên liệu tăng cao đã khiến các hoạt động của hãng không thể khởi sắc.
Đến hết 31/3, Vietnam Airlines đã lỗ lũy kế hơn 24.500 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của hãng bay này lại âm 2.160 tỷ đồng. Với việc doanh nghiệp đã âm vốn chủ sở hữu, Vietnam Airlines đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) theo quy định.
Lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết hãng đã dự báo trước những khó khăn này và đang triển khai tái cơ cấu tổng thể. Đồng thời, doanh nghiệp cũng kiến nghị tới chủ sở hữu nhà nước nhiều giải pháp phục hồi để không âm vốn chủ sở hữu trong năm 2022.
Theo: ZING.VN
© 2024 | Thời báo ĐỨC