Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, mã chứng khoán: HVN) vừa công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 sau không ít lần trì hoãn.
Theo báo cáo, doanh thu hợp nhất năm 2022 của hãng hàng không quốc gia đạt 70.793 tỷ đồng, tăng gấp 2,5 lần so với năm 2021. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán cao hơn doanh thu khiến hãng bay lỗ gộp 2.876 tỷ đồng.
Trong năm qua, Vietnam Airlines thu về 980 tỷ đồng từ hoạt động tài chính, giảm 37% so với cùng kỳ. Ở chiều ngược lại, chi phí tài chính tăng gấp 2,7 lần, lên mức 4.432 tỷ đồng (chủ yếu đến từ chênh lệch tỷ giá); chi phí bán hàng tăng gấp 2,6 lần, lên 3.195 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp tăng nhẹ lên 1.769 tỷ đồng.
Sau khi khấu trừ chi phí, Vietnam Airlines lỗ sau thuế 11.223 tỷ đồng, giảm lỗ hơn 2.000 tỷ đồng so với năm 2021. Tổng lỗ lũy kế của hãng bay lúc này là 35.072 tỷ đồng.
(Nguồn: BCTC).
Tại phần ý kiến, kiểm toán lưu ý tại ngày 31/12/2022, nợ ngắn hạn của Vietnam Airlines vượt quá tài sản ngắn hạn với số tiền là 39.470 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 11.056 tỷ đồng và khoản phải trả quá hạn là 15.396 tỷ đồng.
Từ đó, kiểm toán nhấn mạnh khả năng hoạt động liên tục của Vietnam Airlines sẽ phụ thuộc vào sự hỗ trợ về tài chính của Chính phủ và việc được gia hạn thanh toán các khoản vay từ các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng, các khoản phải trả cho các nhà cung cấp và cho thuê.
"Những điều kiện này cho thấy sự tồn tại các yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn tới nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của công ty", báo cáo kiểm toán của Deloitte nêu.
Về nguyên nhân thua lỗ, theo Vietnam Airlines, chủ yếu do thị trường quốc tế hồi phục chậm, đặc biệt thị trường Trung Quốc mở cửa dè dặt hơn dự kiến.
Các nguyên nhân còn lại là tình trạng thừa tải và giá vé bình quân tại thị trường nội địa thấp; giá nhiên liệu tăng cao, mức giá vé trần nội địa chưa được điều chỉnh, các hãng hàng không chưa được phụ thu nhiên liệu trên các chặng bay nội địa; lãi suất, tỷ giá và nhiều yếu tố đầu vào khác cũng diễn biến bất lợi.
Cụ thể, giá nhiên liệu bay bình quân năm 2022 là 124,4 USD/thùng, cao hơn 14,1 USD/thùng so với kế hoạch và khiến chi phí nhiên liệu năm 2022 tăng khoảng 2.482 tỷ đồng. So với năm 2019, chi phí nhiên liệu tăng do giá khoảng 7.625 tỷ đồng.
Chênh lệch chi - thu tỷ giá đưa vào kết quả kinh doanh năm 2022 là 1.251 tỷ đồng, tăng 666 tỷ đồng so với kế hoạch. Trong đó, chi phí chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại các khoản công nợ ngoại tệ cuối kỳ trong năm 2022 là 801 tỷ đồng.
Nguồn: Báo điện tử Dân trí
© 2024 | Thời báo ĐỨC