Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc - Ảnh: TTXVN
Ngày 7-6, UNGA đã bầu các chức danh Chủ tịch và các Phó chủ tịch UNGA khóa 77.
Đại sứ Csaba Korosi người Hungary đã trở thành tân Chủ tịch UNGA khóa 77, nhiệm kỳ 2022-2023, thay thế ông Abdulla Shahid, người Maldives, chủ tịch UNGA khóa 76.
Cuộc họp cũng đồng thuận bầu Việt Nam trở thành một trong những Phó chủ tịch UNGA khóa 77 đại diện cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Việt Nam sẽ đảm nhiệm vị trí này trong một năm kể từ ngày 13-9.
UNGA là 1 trong 6 cơ quan chính của Liên Hiệp Quốc và là cơ quan duy nhất của Liên Hiệp Quốc có đại diện của tất cả 193 nước thành viên.
UNGA có thẩm quyền rộng trong các lĩnh vực hợp tác chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, có quyền thảo luận và đưa ra kiến nghị về các vấn đề thuộc phạm vi Hiến chương hoặc bất kỳ vấn đề nào thuộc thẩm quyền của các cơ quan Liên Hiệp Quốc, nhằm mục đích thúc đẩy sự hợp tác quốc tế trên phạm vi toàn cầu.
Các nước khác cùng trúng cử làm Phó chủ tịch Liên Hiệp Quốc khóa 77 gồm Benin, Burundi, Kenya, Mauritania, Niger, Zimbabwe (khu vực châu Phi), Malaysia, Nepal, Tajikistan, Turkmenistan (khu vực châu Á - Thái Bình Dương), Chile, El Salvador, Jamaica (Mỹ Latin), Estonia (Đông Âu), Israel, Úc (khu vực Tây Âu và các nước khác).
Trong 45 năm là thành viên của Liên Hiệp Quốc, Việt Nam đã gánh vác nhiều trọng trách lớn, có nhiều đóng góp thực chất và hiệu quả cho tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh.
Với đường lối đối ngoại đa phương đúng đắn, lấy Liên Hiệp Quốc là trọng tâm, Việt Nam - trên cương vị mới, sẽ tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa cho những mục tiêu cao cả của Liên Hiệp Quốc. Đó là giải quyết xung đột, duy trì hòa bình, ổn định cho tất cả người dân trên thế giới.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online
© 2024 | Thời báo ĐỨC