Việt Nam mua 10 triệu tấn một thứ hạt về làm thức ăn chăn nuôi

Từ năm 2015 đến nay, diện tích ngô của Việt Nam giảm đáng kể, trong khi số lượng nhập khẩu ngô ngày càng tăng. Riêng năm 2021, Việt Nam đã nhập khẩu 10 triệu tấn ngô.

1 Viet Nam Mua 10 Trieu Tan Mot Thu Hat Ve Lam Thuc An Chan Nuoi

Diện tích ngô của Việt Nam giảm trong những năm gần đây. Ảnh: I.T

Nhập khẩu ngô "nóng" nghị trường Quốc hội

Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan của các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, vấn đề nhập khẩu ngô trong khi giá thức ăn chăn nuôi tăng "nóng" suốt từ cuối năm 2021 đến nay đã được các đại biểu đề cập. 

Cụ thể, đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết (Đoàn TP Hồ Chí Minh) nêu câu hỏi: Chính phủ và ngành nông nghiệp đã có những giải pháp nào để phát triển các vùng nguyên liệu cho sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm nhằm giảm nhập khẩu, phát triển sản xuất trong nước, góp phần kiểm soát giá thức ăn gia súc, gia cầm và kiểm soát giá thịt gia súc, gia cầm trong thời gian tới?

2 Viet Nam Mua 10 Trieu Tan Mot Thu Hat Ve Lam Thuc An Chan Nuoi

Đại biểu Trần Đình Gia (Đoàn Hà Tĩnh) băn khoăn việc chúng ta nhập khẩu ngô ngày càng nhiều trong khi diện tích ngô giảm nhanh. Ảnh; quochoi.vn.

Trong khi đó, đại biểu Trần Đình Gia  (Đoàn Hà Tĩnh) cho biết, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, ông đã thảo luận về việc giá thức ăn chăn nuôi tăng là do nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi là ngô tăng rất cao. 

"Năm đó chúng ta nhập 7 triệu tấn ngô. Năm 2021 chúng ta nhập hơn 10 triệu tấn ngô và diện tích trồng ngô của chúng ta giảm liên tục từ năm 2015 cho đến nay" - đại biểu Trần Đình Gia nêu một thực tế.

Theo đại biểu Trần Đình Gia, ngô là một cây sản xuất có lợi thế của Việt Nam. Người dân xác định trồng ngô cũng là truyền thống, diện tích của chúng ta rất cao nhưng mà cả một khoảng thời gian rất dài chúng ta không có chính sách để phát triển trồng ngô làm nguyên liệu. 

"Tôi thấy đấy là một điều rất băn khoăn, trong khi chúng ta trồng rất nhiều loại cây và phải giải cứu rất nhiều. Nhưng một sản phẩm liên tục chúng ta phải nhập khẩu tăng hàng năm thì diện tích sản xuất lại giảm liên tục" - đại biểu Trần Đình Gia bày tỏ.

Là nước nông nghiệp nhưng chúng ta vẫn nhập khẩu ngô, đậu tương số lượng lớn

Trả lời câu hỏi của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan thẳng thắn: "Tại sao chúng ta là một quốc gia nông nghiệp mà lại lệ thuộc vào nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản? Tôi rất áy náy vấn đề này".

3 Viet Nam Mua 10 Trieu Tan Mot Thu Hat Ve Lam Thuc An Chan Nuoi

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan: "Tại sao chúng ta là một quốc gia nông nghiệp mà lại lệ thuộc vào nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản? Tôi rất áy náy vấn đề này". Ảnh: quochoi.vn

Tuy nhiển, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, khi làm việc với các tổ chức nước ngoài thì họ rất bất ngờ, là sự manh mún đất đai, quy mô sản xuất. 

"Tôi đơn cử một nguyên liệu chủ yếu để sản xuất thức ăn chăn nuôi và thức ăn thủy sản đó là ngô, tổng diện tích sản xuất ngô ở thế giới để phục vụ cho thức ăn chăn nuôi là 200 triệu hecta, của chúng ta là xấp xỉ 1 triệu hecta. Riêng thị trường nhập khẩu nhiều nhất của chúng ta về ngô là Mỹ, là 30 triệu hecta, gấp 30 lần quy mô đất đai của chúng ta. Chắc chúng ta hiểu được quy mô sẽ quyết định giá thành để cạnh tranh và quyết định sự ứng dụng khoa học, công nghệ để nâng cao năng suất" - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu một thực tế.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, Bộ NNPTNT đang xây dựng đề án tự chủ phần nào nguyên liệu phục vụ cho nông nghiệp, kể cả thức ăn chăn nuôi, thủy sản.

"Mặc dù chúng ta không có lợi thế so sánh tuyệt đối nhưng trong tương đối chúng ta vẫn có thể quy hoạch những vùng có thể trồng ngô sinh khối hoặc ngô để sử dụng làm thức ăn chăn nuôi" - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh. 

Nguồn: Báo điện tử DÂN VIỆT


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày