Việt Nam đề xuất 4 nhóm ưu tiên hợp tác Mekong - Lan Thương

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đề xuất 4 nhóm ưu tiên hợp tác Mekong - Lan Thương khi dự hội nghị ở Bắc Kinh, trong đó có thúc đẩy ứng dụng và chuyển giao công nghệ.

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao hợp tác Mekong - Lan Thương (MLC) lần thứ 8 diễn ra tại Bắc Kinh ngày 7/12 với sự tham gia của người đứng đầu ngành ngoại giao và đại diện các nước Việt Nam, Trung Quốc, Campuchia, Thái Lan, Lào và Myanmar, theo thông cáo của Bộ Ngoại giao.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định Việt Nam coi trọng và tiếp tục đóng góp tích cực cho hợp tác giữa 6 nước trong khuôn khổ MLC, đồng thời đề xuất 4 nhóm ưu tiên hợp tác thời gian tới.

Theo Bộ trưởng, 6 nước MLC cần phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, từng bước chuyển đổi từ gia công, lắp ráp sang nghiên cứu, thiết kế và sản xuất, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, ứng dụng và chuyển giao công nghệ.

Các nước cũng cần đẩy mạnh chuyển đổi số thông qua đối thoại chính sách về kinh tế số và an ninh mạng. Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị các bên hợp tác phát triển nguồn nhân lực số, thành phố thông minh, số hóa các doanh nghiệp siêu nhỏ, vừa và nhỏ (MSMEs), cũng như khuyến khích xây dựng hạ tầng số, ứng dụng công nghệ thế hệ mới trong ngành công nghiệp sản xuất.

1 Viet Nam De Xuat 4 Nhom Uu Tien Hop Tac Mekong   Lan Thuong

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn dự hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao hợp tác Mekong - Lan Thương (MLC) lần thứ 8 tại Bắc Kinh ngày 7/12. Ảnh: Báo Thế giới và Việt Nam

Bộ trưởng đề cao bảo vệ môi trường và chuyển đổi tăng trưởng xanh, đẩy nhanh việc hoàn thiện và triển khai Kế hoạch hành động hợp tác tài nguyên nước MLC giai đoạn 2023-2027. Ông đề nghị tăng cường phối hợp giữa MLC và Ủy hội sông Mekong cũng như chia sẻ dữ liệu khí tượng, thủy văn và vận hành đập.

Các nước cũng cần thúc đẩy hợp tác thương mại, xây dựng chuỗi cung ứng thông minh, hỗ trợ kết nối MSMEs với các doanh nghiệp đa quốc gia, cải cách môi trường đầu tư, theo ông Sơn.

Các bộ trưởng tại hội nghị đánh giá cao những tiến triển đạt được trong hợp tác quản lý bền vững nguồn nước sông Mekong - Lan Thương, trong đó có việc triển khai thỏa thuận giữa 6 nước về chia sẻ dữ liệu thủy văn cả năm và các nghiên cứu chung về dự báo lũ lụt, phòng chống thiên tai.

Quỹ đặc biệt Mekong - Lan Thương đã hỗ trợ các nước thành viên thực hiện hơn 700 dự án vừa và nhỏ trong nhiều lĩnh vực như thương mại, nông nghiệp, du lịch, quản lý nguồn nước, môi trường, y tế, xóa đói giảm nghèo, trao quyền cho phụ nữ.

Các bên nhất trí nghiên cứu khả năng thành lập Hành lang Đổi mới sáng tạo Mekong - Lan Thương lấy người dân làm trung tâm, phát triển Vành đai kinh tế Mekong - Lan Thương, tăng cường ứng dụng công nghệ cao trong phát triển kinh tế, thúc đẩy kết nối cơ sở hạ tầng, tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư, hỗ trợ chuyển đổi năng lượng sạch, và tăng trưởng xanh.

Các bên khẳng định tiếp tục ưu tiên hợp tác quản lý nguồn nước sông Mekong - Lan Thương, đẩy nhanh hoàn thiện Kế hoạch hành động hợp tác Tài nguyên nước MLC giai đoạn 2023-2027 và ủng hộ Việt Nam tổ chức Hội nghị Bộ trưởng hợp tác nguồn nước MLC lần thứ hai trong năm 2024.

Sông Mekong có tổng chiều dài 4.350 km, chảy qua 6 nước gồm Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Đoạn chảy qua lãnh thổ Trung Quốc được gọi là Lan Thương.

Cơ chế hợp tác Mekong - Lan Thương được hình thành từ tháng 11/2015, tập trung vào các lĩnh vực hợp tác trong kết nối, năng lực sản xuất, hợp tác kinh tế xuyên biên giới, nguồn tài nguyên nước, nông nghiệp và xóa đói giảm nghèo.

Huyền Lê

Nguồn: VNEXPRESS.NET


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày