Ông Trịnh Xuân Giới (giữa), cựu Phó ban Dân vận Trung ương, bố của ông Trịnh Xuân Thanh, trước cổng tòa án
Ông Trịnh Xuân Thanh, Đinh La Thăng và 20 bị cáo đang ra tòa trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng công ty xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC).
Cáo trạng nói ông Xuân Thanh chiếm hưởng 4 tỷ đồng, và ông bị đề nghị án chung thân với tội Tham ô tài sản.
Ông Trịnh Xuân Giới, cựu Phó ban Dân vận Trung ương, bố của bị cáo Trịnh Xuân Thanh, được báo Infonet của Bộ Thông tin-Truyền thông hôm 14/1 dẫn lời trình bày trước Hội đồng Xét xử:
"Gia đình chúng tôi khi được gặp Trịnh Xuân Thanh trong trại tạm giam có được nghe con trai tôi nói rằng không tham ô tài sản. Tuy nhiên, luật sư của con trai tôi tư vấn rằng để bày tỏ thiện chí, con trai tôi đã nhận trách nhiệm người đứng đầu thì hãy khắc phục hậu quả, số tiền này sẽ được trả lại nếu kết luận con trai tôi không tham ô. Chúng tôi đã tự nguyện nộp 4 tỷ đồng vào tài khoản tạm giữ của cơ quan điều tra."
Lời khuyên luật sư
Trả lời Ben Ngô của BBC Tiếng Việt ngày 15/1, Luật sư Phùng Thanh Sơn, Giám đốc công ty Luật Thế Giới Luật Pháp, bình luận:
"Nếu đứng ở góc độ nào đó, việc luật sư tư vấn để cho bị cáo/gia đình bị cáo tự nguyện nộp lại toàn bộ số tiền theo cáo trạng quy kết có thể dẫn đến một rủi ro cho bị cáo khi gặp phải lập luận từ những người tiến hành tố tụng là: "Nếu bị cáo không tham ô thì tại sao phải nộp lại số tiền đã tham ô!".
"Tuy nhiên, nếu xét toàn cảnh tính chất sự việc và yếu tố chính trị trong vụ án này, tôi cho rằng lời khuyên của luật sư đối với ông Thanh và gia đình ông Thanh là phù hợp."
"Bởi lẽ, theo quy định của Bộ luật Hình sự, việc tự nguyện khắc phục hậu quả được xem là một tình tiết giảm nhẹ."
"Và nếu ông Thanh có từ hai tình tiết giảm nhẹ trở lên, tòa án có quyền quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt."
'Giải pháp an toàn'
Luật sư Thanh Sơn phân tích thêm: "Trên thực tế ở Việt Nam, một khi bị cáo bị bắt tạm giam, rất hiếm khi được tuyên vô tội."
"Kể cả những vụ việc có dấu hiệu oan sai, thay vì tuyên bị cáo vô tội, tòa thường chọn một giải pháp an toàn cho cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát Nhân dân là ra một bản án với thời hạn tù bằng thời hạn bị cáo bị tạm giam."
Ông Trịnh Xuân Thanh tại phiên tòa ở Hà Nội
Các ông Đinh La Thăng (đứng) và Trịnh Xuân Thanh (ngồi bên trái, hàng đầu) đều nói các ông "sợ bị chết trong tù", theo truyền thông Việt Nam
"Trong khi đây là một trong những vụ "đại án" và ít nhiều bị tác động bởi yếu tố chính trị nên khả năng tuyên ông Thanh vô tội gần như là không có."
"Với số tiền thất thoát đó, lẽ ra tòa hoàn toàn có quyền áp dụng mức án cao nhất là tử hình cho ông Thanh."
"Do đó, việc luật sư tư vấn cho người nhà của ông Thanh nộp tiền để khắc phục hậu quả là hoàn toàn phù hợp trong bối cảnh của ngành tư pháp Việt Nam hiện nay."
Theo trang Zing, ba ngày trước khi phiên tòa diễn ra, gia đình ông Xuân Thanh đã nộp 2 tỷ đồng.
Sau đó, Cục trưởng Cục thi hành án TP Hà Nội nói với báo Zing rằng gia đình ông Thanh đã nộp thêm 2 tỷ nữa vào hôm 11/1.
Hai luật sư của ông Trịnh Xuân Thanh rút lui trước phiên tòa vì "không có đủ thời gian nghiên cứu hồ sơ, tài liệu nên không thể bảo vệ tốt nhất cho thân chủ"
Trước khi phiên tòa xử ông Thanh và Đinh La Thăng diễn ra hôm 8/1, hai luật sư thuộc Công ty luật Viên An thông báo đến tòa Hà Nội về việc chấm dứt bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Thanh trong vụ án này.
Trả lời BBC, Luật sư Nguyễn Thị Huyền Trang, giám đốc Công ty Luật Viên An, nói: "Cáo trạng và kết luận điều tra vụ án có từ ngày 25/12/1017 nhưng luật sư không được tiếp xúc ngay mà phải mất mấy ngày sau đó khi chuyển sang tòa."
"Rồi phiên xử được ấn định hôm 8/1/2018, trong lúc có ba ngày nghỉ tết Dương lịch."
"Một vụ lớn như thế mà luật sư không có đủ thời gian nghiên cứu hồ sơ, tài liệu nên không thể bảo vệ tốt nhất cho ông Thanh."
Sau khi phiên tòa hiện tại kết thúc, ông Trịnh Xuân Thanh và các "đồng phạm", trong đó có ông Đinh Mạnh Thắng (em trai ông Đinh La Thăng, cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần đầu tư và thương mại Dầu khí Sông Đà) còn phải tiếp tục ra tòa hôm 24/1 trong vụ án "Tham ô tài sản" xảy ra tại Công ty cổ phần bất động sản Điện lực Dầu khí Việt Nam.
Nguồn: BBC
© 2024 | Thời báo ĐỨC