Những kỷ lục không biết nên vui hay buồn?

Đầu năm, đầu tháng, nói những điều này không phải để bi quan hay hoài nghi những thành tựu đạt được mà để thấy đau đáu nhiều việc phải cùng nhau hợp sức và nỗ lực nhiều hơn. Để những kỷ lục buồn, những Guinness băn khoăn ngày càng thu hẹp và không có điều kiện sinh sôi.

 

Năm 2017 vừa kết thúc với nhiều biến động. Đất nước đang nỗ lực chuyển mình để vươn lên với khát vọng mạnh mẽ. Có nhiều kỷ lục phấn khởi như tăng trưởng du lịch ngoạn mục (hơn 29%, chỉ thua năm 2010, năm cao nhất là 34,8%). Là GDP tăng trưởng 6,81% bất chấp đủ thứ khó khăn. Là xuất khẩu rau quả đạt gần 4 tỉ USD (tăng 43,1% so với 2016), qua mặt cả gạo. Là xuất siêu dù còn khiêm tốn nhưng đã phá vỡ thế nhập siêu lâu nay. Là những dấu ấn tích cực trong cuộc chiến cam go bài trừ quốc nạn tham nhũng…

Bên cạnh những thành tựu đáng phấn khởi, vẫn thấp thoáng những kỷ lục buồn. Đó là các ngân hàng ném tiền qua cửa sổ, các doanh nghiệp nhà nước dùng tiền chùa vô tôi vạ, vụ thua lỗ thất thoát nào cũng cả ngàn tỉ trở lên. Là những vụ án  xót xa, biểu hiện sự tha hóa tận cùng của đạo đức xã hội. Không ít cán bộ và doanh nhân nổi tiếng, từng được tung hê với những “lời vàng ý ngọc” dạy dỗ thiên hạ, bỗng chốc thành tội đồ, thành kẻ nói láo không ngượng mồm. Đó là nạn bổ nhiệm “con ông cháu cha’’ tùy tiện và “nâng đỡ không trong sáng” của không ít cán bộ lãnh đạo. Là việc năng suất lao động Việt Nam còn thua cả Lào (chỉ bằng 87,4% Lào, theo Tổng cục Thống kê)…

Những kỷ lục không biết nên vui hay buồn? - 0

Nền kinh tế bia đang làm 'rạng danh' vị thế Việt Nam trên bản đồ thế giới về mức độ tiêu thụ - Ảnh: Internet

Lại có những kỷ lục mà không biết nên vui hay buồn. Đó là việc tiếng Việt bỗng dưng được mọi người quan tâm qua đề án “cải cách tiếng Việt” của giáo sư Bùi Hiền. Tự điển tiếng Việt càng phong phú vì được bổ sung thêm nhiều thuật ngữ mới lạ từ các cơ quan công quyền như “Nâng đỡ không trong sáng”, “Cách hết chức vụ” của những người đã về hưu, “Phê bình sâu sắc”, “Đúng qui trình”, “Rút kinh nghiệm”… Có thể làm thành luận văn tiến sĩ về tiếng Việt mới. Đó còn là bộ sưu tập cổng chào, từ làng quê hẻo lánh đến trung tâm phố thị. Cái nào cũng hoành tráng, gấp mấy trăm lần những cổng chào khiêm tốn của nước Mỹ và châu Âu giàu có. Có cổng chào đẹp, tầm cỡ đến mức hơn thu nhập của cả làng quê gộp lại. Có cổng chào “mỏi chân”, tự dưng ngã, đè chết người qua đường mà đành chịu vì “Trời kêu ai, nấy dạ”.

Là những “tượng đài thế kỷ”, có cái chưa khánh thành đã hư, chưa khai trương đã xuống cấp. Là những hội sở các cơ quan công quyền bề thế, nhìn vào là biết ngay của ai, thể hiện quyền uy và trang nghiêm của chốn công đường. Mấy nước trong khu vực muốn bắt chước, học hỏi mà đành chịu. Các nước khác thường chỉ có các công trình kiến trúc văn hóa, lịch sử hay tôn giáo bề thế còn nước ta thì...

Trung Quốc đã bỏ việc chạy đua khẩu hiệu, phong trào để tập trung đổi mới với những thành quả chóng mặt. Nhưng Việt Nam có vẻ chưa từ bỏ thói quen này. Từ “Khoan cắt bê tông”, “Yếu sinh lý, “Trĩ nội, trĩ ngoại” cho đến những “Vịnh Cam Dai” (Cấm đái bậy). Từ khẩu hiệu vô lý “cấm xả rác” - không được xả, chả lẽ giữ luôn? “Cấm đái bậy” nhưng lại không có chỗ xả. Có khẩu hiệu chỉ kích thích tiêu cực như “Cấm mại dâm” (chỗ này có nên mới cấm, không cần tìm đâu xa), “Cấm khạc nhổ”, chỉ còn cách là nuốt luôn? Rồi “Tích cực chữa cháy” (phải cháy nhiều), “Nhiệt liệt chào mừng ngày Thương binh Liệt sĩ” (ngày buồn đau, tưởng nhớ sao lại vui cười?”. Rồi thi nhau “Nói không…” với đủ thứ tệ nạn nhưng cứ làm thoải mái… và …

Là số lượng quán nhậu vô địch thế giới, cả về số lượng người đến quán và số lượng rượu bia tiêu thụ trên đầu người. Không đâu trên thế giới rượu - bia - thuốc lá rẻ và dễ mua như Việt Nam. Rồi các kỷ lục về bóp còi xe, chạy xe lên lề và cả kỷ lục số lượng cảnh sát giáo thông “thập diên mai phục” mọi nơi, mọi lúc mà dân gian gọi là “anh hùng núp”. Là số lượng các trạm thu phí BOT bủa vây, “không cho chúng nó thoát” và những cách trả tiền độc đáo của cánh lái xe. Là số lượng dẫn đầu thiên hạ về xe gắn máy trên đầu người, tỉ lệ nghịch với phương tiện giao thông công cộng, mà còn đang bị hăm he cấm, để thay bằng ô tô, vừa sanh chảnh, vừa tắc tị để bỏ xe đi bộ cho nhanh.

Là số lượng doanh nghiệp được khen thưởng hàng năm với vô số danh hiệu tầm cỡ thế giới, châu lục lẫn quốc gia mà đất nước cứ mãi nghèo. Là danh hiệu “văn hóa” từ cấp tỉnh thành, quận huyện, phường xã, khu phố, tổ dân phố đến từng gia đình. Chỗ nào cũng ngời ngời văn hóa, chỉ thiếu văn hóa tối thiểu của từng cá nhân nên xã hội nhiễu nhương, hỗn loạn.

Đất nước sẽ ngày càng tốt đẹp, xã hội ngày càng minh bạch và những giá trị đạo đức truyền thống được phát huy. Nhiệm vụ này không của riêng ai, mà là của tất cả mọi người.

Kỳ vọng năm 2018 sẽ là khởi đầu cho những đổi thay tích cực và mạnh mẽ.

Nguyễn Chánh Trực

motthegioi.vn


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày