Năm 1997, khi tỉnh Quảng Nam và Đà Nẵng được tách, UBND TP Tam Kỳ lập các đồ án quy hoạch nội thị với khu bắc, trung tâm và nam. Sau đó, UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt quy hoạch chi tiết sử dụng đất và ban hành điều lệ quản lý xây dựng các khu này.
Sau gần 20 năm triển khai, ông Nguyễn Văn Lệnh, nguyên Trưởng Phòng quản lý đô thị TP Tam Kỳ, đánh giá công tác quy hoạch có nhiều bất cập. Nhiều khu dân cư dọc đường Bạch Đằng, đê Bàn Thạch qua phường Hòa Hương, Phước Hòa và Tân Thạnh thấp hơn mặt đường nên khi trời mưa to, nước không thể thoát ra sông.
"Khi xây dựng đường Bạch Đằng và các khu dân cư mới, đáng lẽ phải giải tỏa trắng những khu dân cư hiện hữu. Tuy nhiên, các dự án không có đất tái định cư, nguồn vốn để giải tỏa. Hệ quả là nhiều tuyến đường, khu dân cư mới hình thành cao hơn khu cũ 50-60 cm", ông Lệnh nói.
Nước lũ ngoài sông Bàn Thạch tràn vào nội thị Tam Kỳ gây ngập hôm 24/10. Ảnh: Đắc Thành
Dự án đê kè Bàn Thạch với các công trình ngăn nước vào nội thị đã xây dựng, song theo ông Lệnh chưa hiệu quả. Thành phố xây dựng các hồ điều hòa như Nguyễn Du, Duy Tân, Ngã Ba rộng gần 21 ha, chứa gần 419.000 m3 có chức năng điều tiết, thoát nước ngập úng trong khu vực nội thị. Hiện kênh chính đã có, song các hệ thống mương thoát nước xương cá thu gom về chưa được triển khai, hoặc có nơi đã xây dựng nhưng chưa đạt hiệu suất dẫn đến ngập úng.
Một nguyên nhân khác là tốc độ đô thị hóa của Tam Kỳ rất nhanh. Mật độ xây dựng công trình cao dẫn đến giảm khả năng thấm tự nhiên và chiếm diện tích chứa nước.
Ông Phạm Thông, Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Nam, cho rằng tình trạng ngập lụt những năm gần đây ở Tam Kỳ một phần do công trình giao thông. Trước đây trên sông Bàn Thạch có cầu Mỹ Cang, xã Tam Thăng và cầu Kỳ Phú, phường Phước Hòa. Hai cầu này cùng đường dẫn thấp, nước lũ chảy băng qua, thoát nhanh.
Đến khi thành phố phát triển về phía đông, 5 cây cầu và tuyến đường dẫn đi qua sông Bàn Thạch, cao từ 2 đến 5 m, tạo thành đê ngăn thoát lũ. Trong khi con sông này có lưu vực lớn, hai bên là cánh đồng lúa thấp trũng, mỗi khi mưa lớn, nước từ phía thượng nguồn nam huyện Thăng Bình và Phú Ninh đổ về Bàn Thạch, chảy vào Tam Kỳ và không thể thoát ra.
Ông Thông dẫn chứng đường Điện Biên Phủ qua cánh đồng Nhong, dài 2 km, được xây cao hơn 4 m, chỉ có 3 cống thoát nước, mỗi cống rộng 3 m. Mưa lớn, con đường này đã thu hẹp dòng chảy khiến lũ thoát chậm, dâng lên nội thị và tràn vào khu dân cư ven sông. Hoặc như tuyến đường ven biển Võ Chí Công cao hơn 4 m đã phần nào chặn đường thoát nước từ Tam Kỳ ra biển.
"Giá như các tuyến đường qua sông Bàn Thạch khi xây dựng có các cầu vượt cạn sẽ tạo được hành lang thoát lũ. Mỗi công trình không làm hết cầu vượt cạn toàn tuyến, nhưng có thể làm một vài cầu cạn dài khoảng 50 m thì nước lũ thoát nhanh hơn", ông Thông nói.
Màu vàng sông Tam Kỳ, màu đỏ sông Bàn Thạch, màu xanh sông Trường Giang và màu tím là sáu tuyến đường, cầu bắc qua sông. Ảnh: Google map
Nguyên Cục trưởng Phòng chống thiên tai Văn Phú Chính đánh giá ngập lụt cục bộ không chỉ diễn ra TP Tam Kỳ mà ở nhiều đô thị. Hiện nay rất nhiều địa phương chưa quan tâm đến vấn đề thoát nước do mưa lớn. Dự án triển khai có tính toán đến mưa, song chưa tính đến đợt mưa cực đoan. Quá trình quy hoạch đô thị chưa lồng ghép giải pháp phòng chống thiên tai dẫn đến việc nhiều khu vực trước đây khô ráo, nhưng sau khi xây dựng các công trình thì bị ngập lụt.
Ghi nhận TP Tam Kỳ có những lúc ngập lụt rất lớn, Chủ tịch tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh chỉ ra nguyên nhân lượng mưa tập trung quá lớn ở thành phố và vùng phụ cận trong thời gian ngắn. Hệ thống thoát nước nội thị Tam Kỳ thời gian vừa qua chưa đảm bảo các khẩu độ và nhiều khu vực tắc nghẽn do không giải phóng mặt bằng, từ đó việc lưu thông thoát nước từ nội thị ra sông không đảm bảo. Mặt khác, khi mưa lớn, hồ thủy lợi Phú Ninh xả để đảm bảo an toàn công trình. Nước sẽ đổ về TP Tam Kỳ, làm gia tăng ngập úng.
Ông Thanh cũng cho rằng việc xây dựng một số công trình giao thông qua sông Bàn Thạch chưa tính toán đến khẩu độ, lưu vực thoát lũ, khi mưa lũ tần suất cao đã gây cản trở dòng chảy dẫn đến ngập lụt. Hệ thống thoát nước từ Tam Kỳ đổ ra biển qua Cửa Lở, Kỳ Hà, huyện Núi Thành quá dài và độ dốc quá nhỏ nên tốc độ dòng chảy thấp.
Mỗi khi mưa lớn tập trung ở lưu vực này thì việc thoát ra hai cửa mất nhiều thời gian, nếu gặp triều cường sẽ cản trở dòng chảy.
Đắc Thành
Nguồn: VNEXPRESS.NET
© 2024 | Thời báo ĐỨC