Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân. (Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN)
Đến nay, cả nước đã tiêm được hơn 144 triệu liều vaccine trong tổng số hơn 166 triệu liều vaccine đã phân bổ. Tỷ lệ bao phủ ít nhất 01 liều vaccine là 79% và tỷ lệ bao phủ đủ vaccine liều cơ bản là 66% tổng dân số Việt Nam.
Tỷ lệ này đã vượt mức mục tiêu mà Tổ chức Y tế thế giới đề ra đến hết năm 2021: 40% dân số của mỗi quốc gia được tiêm vaccine phòng COVID-19.
Đối với nhóm người từ 18 tuổi trở lên, tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vaccine là 98% và tỷ lệ tiêm đủ liều cơ bản là 86%. Từ tháng 11/2021 các tỉnh, thành phố đã bắt đầu triển khai tiêm vaccine cho trẻ em từ 12 tuối đến dưới 18 tuổi. Với tiến độ tiêm chủng hiện nay, đến hết tháng 12 năm 2021, toàn quốc sẽ đảm bảo bao phủ mũi 1 cho dân số từ 18 tuổi trở lên và cơ bản bao phủ mũi 2 (khoảng 90%) đồng thời cũng sẽ bao phủ cơ bản đủ liều cơ bản cho trẻ em từ 12 tuổi theo đúng chỉ đạo của Chính phủ.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết như vậy tại buổi Lễ phát động kỷ niệm Ngày quốc tế phòng chống dịch bệnh, do Bộ Y tế phối hợp Bộ Ngoại giao tổ chức, ngày 27/12, với thông điệp “Tăng cường quản lý nhóm nguy cơ.”
Sự kiện này là một trong số các hoạt động nhằm mang đến thông điệp về tầm quan trọng của việc tất cả mọi người đều được tiêm chủng, vai trò của của chính quyền các cấp, các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước đối với hoạt động tiêm chủng phòng bệnh nói chung và tiêm chủng phòng COVID-19, trách nhiệm của người dân trong việc chủ động, tự giác thực hiện tiêm chủng đầy đủ.
Theo Thứ trưởng Sơn, để đáp ứng với tình hình dịch tại Việt Nam, ngay từ thời gian đầu, cùng với những nỗ lực vượt bậc trong kiểm soát dịch bệnh, ngay từ năm 2020, Chính phủ và Bộ Y tế đã tích cực triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch COVID-19. Đặc biệt, Việt Nam đã thực hiện tiếp cận các nguồn vaccine phòng COVID-19 từ sớm qua nhiều phương thức khác nhau như tham gia Chương trình COVAX Facility, đàm phán song phương với các nhà sản xuất, ngoại giao vaccine với các tổ chức quốc tế và chính phủ nhiều nước.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn phát biểu tại buổi lễ. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu nhấn mạnh cách đây hơn một năm, do quan ngại sâu sắc trước tác động tàn phá của các bệnh truyền nhiễm và dịch bệnh lớn, đặc biệt là trước tình hình đại dịch COVID-19 lan rộng khắp thế giới và với những thành tựu đạt được trong vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 và là một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã khởi xướng đề xuất Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua một Nghị quyết về việc thành lập Ngày Quốc tế Phòng chống dịch bệnh 27 tháng 12. Sáng kiến này đã nhận được sự ủng hộ và hưởng ứng rộng rãi của cộng đồng quốc tế, có tới 112 quốc gia đồng bảo trợ Nghị quyết. Đây là năm thứ 2 thế giới kỷ niệm Ngày quốc tế phòng chống dịch bệnh.
Ở Việt Nam, từ nhiều năm qua, Bộ Ngoại giao luôn nỗ lực phối hợp với ngành y tế trong tranh thủ nguồn lực, tri thức, kinh nghiệm của quốc tế ngăn ngừa và ứng phó với các dịch bệnh, đặc biệt là đại dịch COVID-19.
Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu cho hay được giao làm Tổ trưởng Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vaccine, Bộ Ngoại giao coi đây là trọng tâm lớn của ngành. Bộ Ngoại giao đã phát huy vai trò của mạng lưới hơn 90 Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cùng với sự phối hợp của Bộ Y tế và các Bộ, ngành liên quan triển khai một cách quyết liệt, toàn diện và hiệu quả công tác vận động các bạn bè, đối tác quốc tế hỗ trợ các nỗ lực phòng chống dịch COVID-19 tại Việt Nam.
Có thể nói, nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác ngoại giao vaccine đã đạt kết quả rất quan trọng, đóng góp tích cực vào việc thực hiện mục tiêu vừa bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng nhân dân, vừa khôi phục, phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an sinh chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 như Nghị quyết 128 ngày 11/10/2021 của Chính phủ.
Các hoạt động kỷ niệm ngày 27/12 cho thấy rõ hơn tầm quan trọng của việc nâng mức độ sẵn sàng để có thể ứng phó nhanh hơn và phù hợp hơn với bất kỳ dịch bệnh nào có thể phát sinh. Điều này cũng đòi hỏi sự cấp thiết xây dựng các hệ thống y tế hiệu quả, có thể phục vụ đến cả những người dễ bị tổn thương, có khả năng thực hiện hiệu quả Điều lệ Y tế quốc tế năm 2005./.
Thùy Giang
Nguồn: vietnamplus.vn
© 2024 | Thời báo ĐỨC