Từng có chiến dịch giành vỉa hè cho người đi bộ, sao giờ lại tính thu phí ?

Trước đề xuất thu phí vỉa hè để kinh doanh, nhiều người bày tỏ quan điểm phản đối vì cho rằng đây là khu vực dành cho người đi bộ, không phải nơi phù hợp để kinh doanh.

Sở Giao thông vận tải TPHCM mới đây đã có công văn hướng dẫn thực hiện một số quy định về quản lý và sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố, trong đó có đề xuất về việc thu phí vỉa hè đối với 5 khu vực khác nhau, mức phí dao động 20.000 - 350.000 đồng/m2/tháng.

Thông tin trên làm dấy lên 2 luồng quan điểm trái ngược. Trong khi nhiều người ủng hộ thực hiện để giúp hoạt động kinh doanh thường ngày trở lên quy củ, trật tự hơn thì ở chiều đối lập, không ít ý kiến phản đối, nghi ngờ về tính hiệu quả của đề xuất này.

1 Tung Co Chien Dich Gianh Via He Cho Nguoi Di Bo Sao Gio Lai Tinh Thu Phi

Tình trạng buôn bán lấn chiếm vỉa hè, lòng đường diễn ra tràn lan trên đường Nguyễn Trãi, quận 5, TPHCM (Ảnh: Hải Long).

"Vỉa hè phải dành cho người đi bộ, không nên cho thuê bán hàng để còn có lối đi"

Theo luồng quan điểm phản đối, chủ tài khoản có nickname B.B cho rằng vỉa hè để dành cho người đi bộ, việc sử dụng để kinh doanh là bất hợp lý, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho người đi bộ khi tham gia giao thông: "Đã là vỉa hè phải dành cho người đi bộ. Nên dẹp hết, cấm không cho bán hàng để còn có lối đi. Cứ đi bộ dưới lòng đường vừa nguy hiểm lại thêm ách tắc giao thông".

Chung cảm nhận, người dùng Nguyễn Lã Dương bình luận: "Cái gì cũng cho thuê, vỉa hè cho người đi bộ cũng cho thuê? Khi nào mới có vỉa hè thoáng dành cho người đi bộ?".

"Càng trở nên lộn xộn một cách "hợp pháp"? Phố phường vẫn nhếch nhác, rồi xem người đi bộ còn chỗ mà đi nữa không?", độc giả Hải Nam Triệu bất bình.

"Một thời gian rầm rộ dẹp vỉa hè với khẩu hiệu "giành lại vỉa hè cho người đi bộ", giờ giành xong rồi thì lại thu phí kinh doanh, các vị không thấy sai sai sao? Tôi ủng hộ lắp camera giám sát, kẻ vạch quy định rõ ràng và phạt thật nặng hành vi lấn chiếm vỉa hè, nhưng không ủng hộ thu phí vỉa hè", độc giả Xuân Vinh thẳng thắn đặt câu hỏi.

Bên cạnh lo ngại về sự lộn xộn, nhếch nhác, mất mỹ quan, nhiều người cũng bày tỏ quan ngại về xung đột có thể nổ ra giữa những chủ hộ có vỉa hè trước mặt tiền nhưng không kinh doanh với những người thuê vỉa hè để buôn bán. Nêu ra vấn đề, người dùng Minh viết: "Nếu dân mua phí thuê vỉa hè rồi ngồi kín mặt tiền của các nhà hàng để bán hàng thì có được không? Theo tôi, chỉ thu phí kinh doanh, còn muốn ngồi đâu thì phải có sự đồng ý của chủ khu đất".

"Làm thế này tưởng hợp lý nhưng sẽ bị lợi dụng và biến tướng không kiểm soát được. Nên tìm hiểu xem nước ngoài họ làm thế nào mà đường phố sạch sẽ, văn minh vậy. Bao nhiêu năm nay, vỉa hè của chúng ta luôn bát nháo, không sao ổn định được", độc giả Toàn Phạm viết.

Vấn đề mấu chốt ở khâu quản lý?

Ở chiều ngược lại, độc giả Nguyen Van Tin bày tỏ sự ủng hộ đối với đề xuất trên. Chưa bàn tới tính hiệu quả song theo người này, việc thu phí vỉa hè trước tiên sẽ rất hữu ích với ngân sách Nhà nước: "Tôi ủng hộ đề xuất này, những người kinh doanh vỉa hè thu lợi rất lớn. Họ cần phải đóng thuế cho Nhà nước".

2 Tung Co Chien Dich Gianh Via He Cho Nguoi Di Bo Sao Gio Lai Tinh Thu Phi

"Thành phố hiện tại như một cái chợ, mỗi nhà mặt phố là một ki ốt nên bảo sao cứ tắc đường. Hãy cấm triệt để nạn lấn chiếm lòng đường, vỉa hè thì thành phố sẽ thông thoáng hơn rất nhiều", ý kiến của độc giả (Ảnh: Hải Long).

"Trước đây chúng ta chưa có những quy định cụ thể, hữu hiệu để tối ưu hóa lợi ích từ các hoạt động kinh doanh hàng rong mang lại, trong khi hoạt động này thì ngày càng phổ biến, thậm chí trở thành "nét văn hóa" ở Việt Nam. Bởi vậy, việc thu phí vỉa hè nhằm sung quỹ và sử dụng khoản chi phí này phục vụ cho việc tôn tạo, vệ sinh vỉa hè là cần thiết và hợp lý", người dùng Hoàng Linh đánh giá.

Cũng theo luồng quan điểm ủng hộ, song anh Vũ Anh Tuấn cho rằng bên cạnh đề xuất phương án, vấn đề mấu chốt để thiết lập trật tự vỉa hè phải nằm ở khâu quản lý. Độc giả này viết: "Cho thuê vỉa hè cũng tốt, nhưng quan trọng là việc quản lý và kiểm soát chống lấn chiếm phần đi bộ của người dân. Các cơ quan Nhà nước cần thực hiện đúng chức năng giám sát của mình. Nhiều nơi buông lỏng việc giám sát dẫn tới vỉa hè để tràn lan vật liệu, lấn chiếm làm điểm kinh doanh, xả thải rác rất mất mỹ quan và mất chức năng của vỉa hè, trong khi lợi ích lại thuộc về thiểu số".

Tương tự, chủ tài khoản Ca Kheo bình luận: "Quan trọng nhất vẫn là cách quản lý. Thu xong tiền về đâu, làm gì thì cần được quản lý nghiêm chỉnh. Thực tế tôi thấy các quy định của mình rất nhiều nhưng thực hiện thì quá yếu. Giá mà mọi nghị định quy định đều được thực hiện nghiêm như nồng độ cồn thì vỉa hè sẽ thông thoáng, đường xá sẽ không lộn xộn".

Còn với độc giả Dang Trung, anh hiến kế để nâng cao chất lượng quản lý hoạt động kinh doanh trên vỉa hè như sau: "Có 2 biện pháp: Yêu cầu các cửa hàng, công ty phải có diện tích để xe phù hợp mới được cấp/gia hạn giấy phép kinh doanh (VD: Tầng 1 để xe, tầng 2, 3, 4 bán hàng) và Thành lập đồng loạt nhiều đội quản lý, quản lý chéo và ngẫu nhiên thay vì quản lý theo địa bàn như hiện tại để tránh thông đồng, bảo kê; cấm triệt để việc sử dụng lòng đường, vỉa hè để kinh doanh và sử dụng tiền phạt vi phạm để chi trả thù lao cho những đội quản lý này.

Còn thành phố hiện tại như một cái chợ, mỗi nhà mặt phố là một ki ốt nên bảo sao cứ tắc đường. Hãy cấm triệt để nạn lấn chiếm lòng đường, vỉa hè thì thành phố sẽ thông thoáng hơn rất nhiều".

Hoàng Diệu

Nguồn: Báo điện tử Dân trí


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày